Bụng làm dạ chịu là gì? Con thành niên gây thiệt hại thì tự chịu hay ba mẹ chịu trách nhiệm?

Chủ đề   RSS   
  • #615714 28/08/2024

    Bụng làm dạ chịu là gì? Con thành niên gây thiệt hại thì tự chịu hay ba mẹ chịu trách nhiệm?

    Câu thành ngữ bụng làm dạ chịu có nghĩa như thế nào? Con đã thành niên gây thiệt hại thì ba mẹ có chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại hay chính con phải chịu?

    Bụng làm dạ chịu là gì?

    Để nói về lối sống trách nhiệm, học cách đối nhân xử thế thì cha ông ta đã có câu thành ngữ “Bụng làm dạ chịu”.

    Bụng làm dạ chịu là thành ngữ thường được sử dụng trong trường hợp bản thân gây ra chuyện xấu, ngoài ý muốn thì phải tự gánh lấy hậu quả.

    “Bụng” và “dạ” trong câu thành ngữ đều có ý nghĩa như một, chính vì thế, đại ý câu thành ngữ có nghĩa là việc mình làm mình phải tự chịu trách nhiệm, không đổ lỗi cho người khác.

    Đây là câu thành ngữ cha ông ta đã sử dụng từ xưa để răn dạy con cháu khi gây ra tội lỗi thì phải biết nhận lỗi, không nên vu oan hay đổ thừa cho người khác.

    Ngoài ý nghĩa răn dạy, câu thành ngữ “bụng làm dạ chịu” còn phê phán và lên án những ai sống không biết nhận lỗi, trốn tránh trách nhiệm trong mọi xã hội.

    Thông tin mang tính chất tham khảo.

    Con đã thành niên gây thiệt hại thì tự chịu hay ba mẹ sẽ chịu trách nhiệm bồi thường?

    Thông thường nếu con nhỏ gây ra thiệt hại thì ba mẹ sẽ chịu trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên nếu con đã đủ tuổi thành niên và gây thiệt hại thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm bồi thường?

    Theo quy định tại Điều 20 Bộ luật Dân sự 2015 thì người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên.

    Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ nếu không rơi vào 01 trong 03 trường hợp sau:

    - Mất năng lực hành vi dân sự;

    - Có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

    - Hạn chế năng lực hành vi dân sự.

    Căn cứ Điều 74 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định cha mẹ phải bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự gây ra theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

    Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân được quy định tại Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

    - Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.

    - Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 Bộ luật Dân sự 2015.

    Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

    - Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

    Như vậy, con đã thành niên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.

    Tuy nhiên đối với con đã thành niên mà mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà cha, mẹ là người giám hộ thì cha, mẹ được lấy tài sản của người con đó để bồi thường. Trường hợp con mất năng lực hành vi dân sự không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ là người giám hộ phải bồi thường bằng chính tài sản của mình.

    Nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

    Tóm lại, câu thành ngữ bụng làm dạ chịu thường được sử dụng trong trường hợp bản thân gây ra chuyện xấu, chuyện ngoài ý muốn thì phải tự gánh lấy hậu quả.

    Đối với con đã thành niên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường. Trường hợp con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại thì người giám hộ mới phải bồi thường.

     
    31 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận