Đây là đề xuất tại Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động thông tin điện tử năm 2022 ở Hà Nội. Theo đó, các Bộ, ngành đang phối hợp để đưa ra quy định xử lý nghệ sĩ vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc ứng xử, vi phạm đạo đức thì sẽ bị "cấm sóng", "cấm mạng", "cấm biểu diễn".
Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ động đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật như ca sĩ, nghệ sĩ vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, vi phạm quy tắc ứng xử theo hướng “cấm sóng”.
Trường hợp nghệ sĩ vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc ứng xử, vi phạm đạo đức thì sẽ bị "cấm sóng", "cấm mạng", "cấm biểu diễn". Điều này có thể hiểu là việc hạn chế biểu diễn, hạn chế phát sóng trên các đài phát thanh truyền hình, hạn chế đăng tải thông tin trên môi trường mạng.
Đơn cử như ở Hàn Quốc hay Trung Quốc, trường hợp như trên nghệ sĩ đó sẽ được xem là bị “phong sát” tại quốc gia đó. Theo đề xuất trên, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá là chế tài hiệu quả.
Liên quan vấn đề này, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, cho biết hành vi tung tin giả; xúc phạm danh dự, nhân phẩm; quảng cáo sai sự thật,… hiện chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chỉ từ 5 - 10 triệu đồng hoặc 10 - 15 triệu đồng tùy hành vi.
Theo ông Do, hình thức xử phạt này dù có tăng tiền phạt, cũng không đủ sức răn đe với người nổi tiếng, thậm chí nghệ sĩ, KOL (người ảnh hưởng trên mạng xã hội).
Thời gian tới, khi Bộ ban hành quy định xử lý người hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật sẽ chính thức công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngoài ra, nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm về phát ngôn hay quảng cáo sai phạm, ngoài xử phạt hành chính sẽ có các giải pháp khác, ví dụ như khóa kênh, cắt nguồn tiền quảng cáo và tới đây nữa sẽ là cấm sóng, cấm biểu diễn"
Trước đó, cuối năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật tại Quyết định 3196/QĐ-BVHTTDL.
Trong đó, quy tắc ứng xử chung đối với nghệ sĩ là:
- Đặt lợi ích của dân tộc, quốc gia lên trên hết, trước hết, trọng danh dự, đề cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật.
- Gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật theo tinh thần “thượng tôn pháp luật”, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; không làm tổn hại uy tín của tập thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác.
- Giữ gìn phẩm chất đạo đức, uy tín, danh dự của người hoạt động nghệ thuật phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa Việt Nam.
Ngoài ra, còn quy định về Quy tắc ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp, Quy tắc ứng xử đối với đồng nghiệp, Quy tắc ứng xử đối với công chúng, khán giả, Quy tắc ứng xử trên báo chí, truyền thông và không gian mạng, Quy tắc ứng xử khi tham gia các hoạt động xã hội khác
Xem thêm tại Quyết định 3196/QĐ-BVHTTDL ngày 13/12/2021.