Mới đây, Bộ Xây dựng đã có Công văn 5333/BXD-QLN gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo tình hình giá bất động sản.
(1) Dự kiến Bảng giá đất mới có thể đẩy giá nhà đất tăng đến 20%
Cụ thể, tại Công văn 5333/BXD-QLN nêu rõ, một trong những điểm quan trọng nhất của Luật Đất đai 2024 đó là bỏ khung giá đất cũ và thay bằng bảng giá đất được cập nhật hàng năm, xác định giá sát với thị trường căn cứ trên mục đích, thời hạn sử dụng đất, thông tin đầu vào, các yếu tố khác ảnh hưởng...
Bảng giá đất được sử dụng để tính tiền sử dụng, thuê, thuế sử dụng đất, thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tính lệ phí quản lý, tiền phạt, bồi thường khi vi phạm trong lĩnh vực đất đai và giá khởi điểm để đấu giá.
Theo đó, Bộ Xây dựng nhận định, bảng giá đất mới sát thị trường sẽ làm tăng chi phí đầu tư xây dựng các dự án, sẽ đẩy giá nhà lên cao so với trước đây. Cụ thể, sẽ trực tiếp khiến mặt bằng giá nhà ở tăng lên khoảng 15 đến 20%. Chi phí đất đai chiếm 7 đến 20% tổng chi phí thực hiện của một dự án chung cư cao tầng. Thậm chí, với các dự án biệt thự, nhà ở liền kề, tỷ lệ này còn lên tới 25 đến 50% với dự án biệt thự, liền kề. Mặt khác, chi phí bồi thường tài sản trên đất thường chiếm tỷ lệ không quá lớn trong chi phí đầu tư xây dựng, chỉ khoảng 2%.
Ngoài chi phí liên quan đến đất, giá thành của sản phẩm trong dự án bất động sản còn được cấu thành từ chi phí đầu tư xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội - tiện ích, chi phí vốn vay, bán hàng, thuế... Đa số các chi phí này được đánh giá “ít biến động”, thậm chí chi phí vốn vay có xu hướng giảm theo mặt bằng lãi suất đã giảm chung.
Theo đó, các chi phí này không phải yếu tố làm thay đổi giá nhà ở thời gian qua.
(2) Bộ Xây dựng đề xuất đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất
Theo đó, để khắc phục tình trạng tăng giá nhà ở, bất động sản nêu trên, Bộ Xây dựng kiến nghị nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn, theo hướng tăng tiền đặt cọc, xác định giá đất khởi điểm đem đấu giá sát với thực tế khu vực. Rút ngắn thời gian nộp tiền trúng đấu giá, hạn chế người tham gia đấu giá với mục đích đầu cơ.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất, tham mưu chính sách thuế với nhà đất thứ hai hoặc bỏ hoang, không sử dụng; nghiên cứu có chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời.
Đồng thời, có giải pháp hạn chế tác động tiêu cực của việc ban hành bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2024 đến mặt bằng giá đất, giá nhà, cung - cầu của thị trường bất động sản.
Thêm nữa, nhằm hạn chế việc quản lý sàn giao dịch và môi giới, câu kết gây nhiễu loạn thị trường, Bộ Xây dựng cũng đề xuất nghiên cứu xem xét mô hình “Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý”.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức triển khai tập huấn, phổ biến để thực hiện có hiệu quả Luật Đất đai 2024 và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành mới được ban hành đến các địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi, tổng hợp thông tin tình hình thực hiện xác định giá đất, ban hành bảng giá đất của các địa phương theo quy định của Luật Đất đai 2024 để đánh giá tác động đối với mặt bằng giá đất. Đề xuất biện pháp, giải pháp hạn chế giá đất tăng bất thường ảnh hưởng tiêu cực đến mặt bằng giá đất, giá nhà ở và thị trường cung cầu nhà ở, bất động sản tại các địa phương.
Rà soát, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi, đồng thời xử lý và đề xuất phương án xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất gây nhiễu loạn thị trường.
Bên cạnh đó, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận... nhất là trong công tác xác định giá đất, tiền sử dụng đất.
Bộ Xây dựng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, phối hợp với TP. Hà Nội, TP. HCM và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thanh tra, kiểm tra, rà soát việc tổ chức, thực hiện hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất.