Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường công tác kiểm tra việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn 8868/VPCP-QHĐP ngày 13/11/2023 của Văn phòng Chính phủ về thực hiện Thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Báo cáo Công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 9/2023, Bộ Tài chính cho biết:
Ngày 27/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Nghị định 93/2021/NĐ-CP là cơ sở pháp lý đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động hỗ trợ; nâng cao tính kịp thời, hiệu quả, công bằng khi thực hiện hỗ trợ và tránh việc lợi dụng công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trục lợi hoặc thực hiện các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, qua phản ánh, kiến nghị của cử tri và nhân dân, tại một số địa phương vẫn còn tình trạng xuất hiện tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động nhân đạo, từ thiện để trục lợi, gây lo lắng, bất an trong dư luận xã hội và ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Theo quy định tại điểm a, khoản 8 Điều 25 Nghị định 93/2021/NĐ-CP: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm "thanh tra, kiểm tra, theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện và trách nhiệm của các cơ quan liên quan theo quy định của Nghị định 93/2021/NĐ-CP.
Từ tình hình trên, Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo tại Nghị định 93/2021/NĐ-CP đến nhân dân trên địa bàn để nâng cao nhận thức về pháp luật; đảm bảo các tổ chức, cá nhân có nhu cầu vận động, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện được hướng dẫn đầy đủ, cụ thể về quy trình, thủ tục và hồ sơ có liên quan.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo trên địa bàn để hoạt động từ thiện thực hiện đảm bảo đúng hướng, hiệu lực, hiệu quả.
Xử lý hành vi sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trục lợi
Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hành vi bị nghiêm cấm, đặc biệt là việc lợi dụng công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trục lợi hoặc thực hiện các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, theo dõi, giám sát, trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc, đề nghị có văn bản gửi các bộ, ngành trung ương có liên quan (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính,...) để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền.
Theo Chính phủ