Bổ sung chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Chủ đề   RSS   
  • #617325 10/10/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1168)
    Số điểm: 19978
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 399 lần
    SMod

    Bổ sung chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

    Ngày 10/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 127/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc. Qua đó đã bổ sung các chính sách cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

    Xem toàn văn Nghị định 127/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/12/2024: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/10/10/ND-127.pdf

    Vùng dân tộc thiểu số là gì?

    Theo Điều 4 Nghị định 05/2011/NĐ-CP quy định như sau:

    - “Dân tộc thiểu số” là những dân tộc có số dân ít hơn so với dân tộc đa số trên phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

    - “Vùng dân tộc thiểu số” là địa bàn có đông các dân tộc thiểu số cùng sinh sống ổn định thành cộng đồng trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

    Đến Nghị định 127/2024/NĐ-CP đã thay thế “vùng dân tộc thiểu số” thành “vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, theo đó vùng đồng bào dân tộc thiểu số là địa bàn cấp tỉnh, huyện, xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ổn định; thôn, bản, làng, phum, sóc, xóm, ấp và tương đương (sau đây gọi chung là thôn) có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ổn định thành cộng đồng.

    Như vậy, kể từ ngày 01/12/2024 sẽ không còn khái niệm “vùng dân tộc thiểu số” mà sẽ được thay thế thành “vùng đồng bào dân tộc thiểu số” với ý nghĩa cụ thể hơn.

    Bổ sung chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

    Theo Điều 12 Nghị định 05/2011/NĐ-CP hiện hành quy định về chính sách đối với người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số như sau:

    Người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số được bồi dưỡng, tập huấn, được hưởng chế độ đãi ngộ và các ưu đãi khác để phát huy vai trò trong việc thực hiện chính sách dân tộc ở địa bàn dân cư, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.

    Trong khi đó, Nghị định 127/2024/NĐ-CP đã sửa đổi quy định trên thành:

    Chính sách đối với người có uy tín, biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến trong đồng bào dân tộc thiểu số:

    - Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được bồi dưỡng, tập huấn, cung cấp thông tin, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần, được khen thưởng, biểu dương, tôn vinh, thăm hỏi, tiếp đón và được hưởng các chế độ, ưu đãi khác để phát huy vai trò trong việc thực hiện chính sách dân tộc ở địa bàn dân cư, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. 

    - Định kỳ 5 năm, đột xuất tổ chức các hoạt động biểu dương, tôn vinh, vinh danh đối với người có uy tín và các điển hình tiên tiến trong đồng bào dân tộc thiểu số. 

    Như vậy, Nghị định 127/2024/NĐ-CP đã bổ sung thêm nhiều chính sách đối với người có uy tín, điển hình tiên tiến trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, sẽ biểu dương, tôn vinh, vinh danh các đối tượng này định kỳ 5 năm 1 lần.

    Quy định mới về chi thăm hỏi, chúc mừng, tặng quà, động viên, gặp mặt đối với một số đơn vị, cá nhân là người dân tộc thiểu số 

    Theo đó, Nghị định 127/2024/NĐ-CP đã bổ sung quy định mới về chi thăm hỏi, chúc mừng, tặng quà, động viên, gặp mặt đối với một số đơn vị, cá nhân là người dân tộc thiểu số. Trong đó các đối tượng thụ hưởng bao gồm:

    - Nguyên lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước là người dân tộc thiểu số; 

    - Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, chiến sỹ cách mạng tiêu biểu, sĩ quan lực lượng vũ trang có quân hàm cấp tướng đã nghỉ hưu là người dân tộc thiểu số;

    - Nguyên Lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương là người dân tộc thiểu số; nguyên Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là người dân tộc thiểu số; 

    - Nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú, giáo sư, phó giáo sư là người dân tộc thiểu số;

    - Bí thư chi bộ, trưởng thôn, nông dân sản xuất giỏi, chức sắc, chức việc tôn giáo là người dân tộc thiểu số có đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được Uỷ ban nhân dân cấp xã xác nhận; 

    - Người dân tộc thiểu số đạt giải thưởng cấp quốc tế và quốc gia; 

    - Hộ dân tộc thiểu số nghèo sinh sống tại các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; 

    - Người dân tộc thiểu số, hộ dân tộc thiểu số ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn hoặc khó khăn đột xuất khác; 

    - Ủy ban nhân dân các xã đặc biệt khó khăn, đơn vị lực lượng vũ trang, trạm y tế, cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở tôn giáo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học có thành tích, đóng góp cho công tác dân tộc và sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; 

    - Đoàn đại biểu người dân tộc thiểu số do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh được ủy quyền thành lập đến thăm và làm việc với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Dân tộc. 

    Như vậy, quy định mới cũng đã bổ sung thêm chế độ đối với một số đơn vị, cá nhân là người dân tộc thiểu số, điều mà Nghị định 05/2011/NĐ-CP chưa quy định.

    Xem toàn văn Nghị định 127/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/12/2024: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/10/10/ND-127.pdf

     
    29 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận