Bổ nhiệm nhân sự tại chỗ, công chức lãnh đạo cần đáp ứng tiêu chuẩn gì về kinh nghiệm công tác?

Chủ đề   RSS   
  • #610112 30/03/2024

    phucpham2205
    Top 500
    Lớp 5

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (362)
    Số điểm: 6646
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 137 lần
    SMod

    Bổ nhiệm nhân sự tại chỗ, công chức lãnh đạo cần đáp ứng tiêu chuẩn gì về kinh nghiệm công tác?

    Bổ nhiệm nhân sự tại chỗ, công chức lãnh đạo cần đáp ứng tiêu chuẩn gì về kinh nghiệm công tác? Ai là người có thẩm quyền bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý? Trình tự bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, ngành, địa phương như thế nào? Sau đây sẽ là phần giải đáp cho những thắc mắc trên.

    (1) Bổ nhiệm nhân sự tại chỗ, công chức lãnh đạo cần đáp ứng tiêu chuẩn gì về kinh nghiệm công tác?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Nghị định 29/2024/NĐ-CP về sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm công tác như sau:

    - Về sức khỏe: Đảm bảo đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

    - Về độ tuổi: Đảm bảo tuổi bổ nhiệm; được quy hoạch vào chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm hoặc chức vụ, chức danh tương đương trở lên theo quy định. 

    - Về thành tích: Có thành tích, kết quả và sản phẩm cụ thể trong quá trình công tác.

    - Về kinh nghiệm thực tiễn và thời gian công tác phù hợp: Có 02 trường hợp như sau:

    + Trường hợp cơ quan, tổ chức đang công tác có đơn vị cấu thành: Bảo đảm đã kinh qua chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý của đơn vị cấu thành; thời gian giữ chức vụ, chức danh đang đảm nhiệm hoặc chức vụ, chức danh tương đương liền kề với chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm tối thiểu là 02 năm (24 tháng), nếu không liên tục thì được cộng dồn (chỉ cộng dồn đối với thời gian giữ chức vụ, chức danh tương đương).

    + Trường hợp cơ quan, tổ chức đang công tác không có đơn vị cấu thành: Bảo đảm thời gian công tác liên tục trong ngành, lĩnh vực tương ứng với từng chức vụ, chức danh cụ thể theo quy định.

    Bên cạnh đó, Nghị định 29/2024/NĐ-CP cũng nêu rõ trường hợp trước khi bổ nhiệm đã có thời gian giữ chức vụ, chức danh bằng, tương đương hoặc cao hơn thì thời gian đó được tính vào thời gian giữ chức vụ, chức danh tương đương để cộng dồn. Tuy nhiên, trường hợp trên không áp dụng đối với người bị cách chức, giáng chức.

    Trường hợp được bổ nhiệm lần đầu mà trước đó đã có thời gian công tác tại đơn vị cấu thành thì thời gian công tác tại đơn vị cấu thành được tính vào thời gian công tác liên tục trong ngành, lĩnh vực, bảo đảm tổng thời gian công tác không thấp hơn tổng thời gian tối thiểu giữ chức các chức vụ, chức danh dưới chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm.

    Như vậy, năm 2024, công chức lãnh đạo, quản lý phải đáp ứng những tiêu chuẩn về kinh nghiệm công tác trong trường hợp bổ nhiệm nhân sự tại chỗ theo các quy định nêu trên.

    (2) Ai là người có thẩm quyền bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 44 Nghị định 138/2020/NĐ-CP về Thẩm quyền bổ nhiệm như sau:

    - Trường hợp là các chức vụ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, thẩm quyền bổ nhiệm thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ.

    - Trường hợp là các chức vụ lãnh đạo, quản lý khác, thẩm quyền bổ nhiệm thực hiện theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ của cấp ủy đảng các cấp.

    Như vậy, Bộ chính trị là cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm đối với các chức vụ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Còn các chức vụ khác thì thẩm quyền bổ nhiệm thực hiện theo quy định về phân cấp quản lý.

    (3) Trình tự bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, ngành, địa phương như thế nào?

    Căn cứ theo Khoản 2 Điều 46 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định về quy trình thực hiện bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ bao gồm 05 bước như sau:

    Bước 01: Trên cơ sở chủ trương, yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức và nguồn nhân sự trong quy hoạch, tập thể lãnh đạo thảo luận và đề xuất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự.

    Về thành phần tham gia bao gồm: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và người đứng đầu cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ.

    Kết quả thảo luận và đề xuất được ghi thành biên bản.

    Bước 02: Tập thể lãnh đạo mở rộng thảo luận và thống nhất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự và tiến hành giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín.

    Về thành phần tham gia bao gồm: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức; thường vụ cấp ủy cùng cấp; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc. Bên cạnh đó, Hội nghị phải có tối thiểu 2/3 số người được triệu tập tham dự.

    Bước 03: Tập thể lãnh đạo, căn cứ vào cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ và khả năng đáp ứng của công chức; trên cơ sở kết quả giới thiệu nhân sự ở bước 2, tiến hành thảo luận và giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín.

    Về thành phần tham gia: Tương tự như Bước 01.

    Bước 04: Tổ chức lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt về nhân sự được tập thể lãnh đạo giới thiệu ở bước 3 bằng phiếu kín.

    Về thành phần tham gia: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức; thường vụ cấp ủy cùng cấp; trưởng các tổ chức chính trị - xã hội của cơ quan, tổ chức; người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu các cơ quan, tổ chức thuộc và trực thuộc. 

    Trường hợp cơ quan, tổ chức có dưới 30 người hoặc không có tổ chức cấu thành, thành phần tham dự gồm toàn thể công chức của cơ quan, tổ chức. Hội nghị phải có tối thiểu 2/3 số người được triệu tập tham dự.

    Bước 05: Tập thể lãnh đạo thảo luận và biểu quyết nhân sự.

    Về thành phần tham gia: Tương tự như Bước 01.

    Theo đó, việc bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý đối với trường hợp bổ nhiệm nhân sự tại chỗ sẽ được hiện theo quy trình 05 bước như đã nêu trên.

     
    73 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn phucpham2205 vì bài viết hữu ích
    admin (25/04/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận