Bộ Luật hình sự 2015 quy định như thế nào về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác

Chủ đề   RSS   
  • #478531 15/12/2017

    Loando1107
    Top 500
    Lớp 2

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:13/11/2017
    Tổng số bài viết (228)
    Số điểm: 3480
    Cảm ơn: 20
    Được cảm ơn 69 lần


    Bộ Luật hình sự 2015 quy định như thế nào về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác

    Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo pháp luật hình sự Việt Nam đã được nhiều nhà khoa học, Luật gia nghiên cứu ở nhiều góc độ khác nhau. Trên các sách, báo đã đề cập và có nhiều quan điểm tiếp cận với loại tội này trên nhiều khía cạnh khác nhau.

    Tiếp cận từ góc độ nhân quyền thì đây là một trong những quyền cơ bản của công dân, đó là “Quyền bất khả xâm phạm về thân thể được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm”, mà “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” là hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền này. Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm”.

    BLHS 2015 (sửa đổi 2017) được Quốc hội khóa 14 thông qua ngày 20/06/2017 quy định về “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác” tại Điều 134. So với quy định tại Điều 104 BLHS 1999 thì quy định tại Điều 134 BLHS năm 2015 (sửa đổi 2017) đã rõ ràng cụ thể hơn nhiều. Theo quy định của Điều 104 BLHS năm 1999, tội này chỉ gồm 4 khoản với định mức tỷ lệ thương tật được chia ra làm bốn mức là dưới 11%, từ 11% đến 30%, từ 31% đến 60%, trên 61% nhưng trong Điều 134 BLHS 2015 (sửa đổi 2017) tuy vẫn giữ nguyên việc chia định mức tỉ lệ thương tật nhưng đã được chia ra làm 6 khoản với một số điểm mới sửa đổi và bổ sung để hoàn thiện hơn những quy định về tội này.

    Khoản 1 Điều 134 BLHS 2015 (sửa đổi 2017) so với khoản 1 Điều 104 BLHS 1999 đã quy định thêm hai điểm mới sau:

     “b, Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

    e, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn”.

    Ngoài ra trong khoản này, đã đổi từ “trẻ em” thành “Người dưới 16 tuổi”. Đây là bước tiến rõ rệt trong quy định của pháp luật nhằm làm rõ những định nghĩa mà trước nay vẫn còn chung chung. Về khoản 2, khoản 3 Điều 104 BLHS1999, đã được chia thành 4 khoản riêng biệt trong điều luật mới. Theo đó, mức khung hình phạt cũng được quy định rạch ròi không gộp chung như trước. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tố tụng như Tòa án, Viện kiểm sát có thể dễ dàng hơn trong việc định tội áp dụng mức hình phạt đối với người phạm tội. Thêm vào đó, quy định này cũng đã phân chia giới hạn giữa tỷ lệ thương tật với các tình tiết tăng nặng trong cấu thành tội phạm, không còn sự thiếu rõ ràng như quy định cũ, rằng dù tỷ lệ thương tật thấp nhưng nếu có tình tiết tăng nặng thì vẫn quy đồng với mức tỷ lệ thương tật cao hơn.

           Khoản 5 Điều 134 BLHS 2015 đã cụ thể hóa khoản 4 Điều 104 BLHS 1999. Theo đó, tình tiết định tính như “chết nhiều người”, “đặc biệt nghiêm trọng khác” đã được quy định rõ thành từng điểm rõ ràng:

           “a) Làm chết 02 người trở lên;

           b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này”.

           Thêm vào đó, Điều 134 BLHS 2015 (sửa đổi 2017) còn quy định thêm một khoản mới về chuẩn bị phạm tội. Theo đó người chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

           Trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với tội quy định tại Điều 104 BLHS 1999 và Điều 134 BLHS 2015 (sửa đổi 2017) cũng khác nhau. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự ở các khoản 3 và 4 của Điều 104 BLHS 1999 trong khi họ phải chịu TNHS ở tất cả các khoản của Điều 134 BLHS2015 (sửa đổi 2017).

           Ngoài ra, về vấn đề khởi tố vụ án hình sự đối với tội này của người bị hại thì tại khoản 1 Điều 105 BLTTHS năm 2003 (BLTTHS) quy định:

           “Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của BLHS chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.”

           Còn tại khoản 1 Điều 155 BLTTHS 2015 thì quy định:

           “1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của BLHS khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.”

           Như vậy tại khoản 1 Điều 155 của BLTTHS 2015 đã có quy định rõ ràng hơn so với khoản 1 Điều 105 BLTTHSnăm 2003. Theo đó, tại Điều 155 BLTTHS 2015, “Người chưa thành niên” theo như Điều 105 BLTTHS 2003 đã được đổi thành “Người dưới 18 tuổi”. Điều 155 BLTTHS 2015 cũng có thêm quy định người đại diện của bị hại đã chết được quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Quy định này của BLTTHS 2015 đã hoàn thiện hơn, giúp cho việc bảo vệ bí mật đời tư và danh dự của người bị hại, đều là các tội ít nghiêm trọng nên có thể giải quyết bằng con đường hành chính, dân sự, giảm bớt việc giải quyết bằng việc truy cứu trách nhiệm hình sự. Quy định về quyền nêu trên cho người bị hại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đã dành cho người bị hại quyền quyết định việc có yêu cầu xử lý hành vi phạm tội của người phạm tội hay không sau khi cân nhắc quyền lợi của mình giữa việc xử lý hành vi phạm tội với việc không xử lý hành vi phạm tội bằng vụ án hình sự. Với quy định này, lợi ích của người bị hại đã được ưu tiên trước lợi ích của xã hội khi xem xét xử lý hành vi phạm tội.

           Hiện nay, có những hành vi phạm tội có dấu hiệu cấu thành tội phạm khoản 2 tội này nhưng người bị hại lại không đồng ý giám định thương tích nên đã gây khó khăn cho công tác đấu tranh chống tội phạm. Sau khi làm rõ và bắt giữ đối tượng về hành vi cố ý gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe cho người khác, không phải vụ án nào cũng xử lý nghiêm được đối tượng gây án vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân là người bị hại từ chối giám định hay giám định lại thương tích. Không có kết quả giám định hoặc giám đinh lại thương tích của người bị hại thì việc truy tố đối tượng gây án sẽ rất khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả đấu tranh chống tội phạm.

           Việc người bị hại từ chối giám định hoặc giám định lại thương tích có nhiều nguyên nhân. Có trường hợp do giữa người bị hại và đối tượng gây án có mối quan hệ gia đình, họ hàng (anh em ruột, vợ chồng…) hoặc mối quan hệ hàng xóm láng giềng, nên người bị hại đã từ chối giám định thương tích. Có vụ cố ý gây thương tích gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến ổ nhóm mang tính chất xã hội đen, đâm thuê, chém mướn, … nhưng do người gây án và người bị hại đã ngầm thỏa thuận, tự hòa giải bồi thường hoặc người bị hại, người thân của họ bị đối tượng gây án đe dọa, mua chuộc…, họ lo sợ cho tính mạng của bản thân và gia đình nên đã không hợp tác với cơ quan điều tra mà tự thỏa thuận bồi thường. Đồng thời, người bị hại viết đơn từ chối giám định thương tích hoặc kéo dài thời gian đi giám định thương tích để thoái thác, gây khó khăn cho việc xử lý của cơ quan điều tra. Tuy nhiên hiện tại trong BLTTHS 2015 tại khoản 2 Điều 127 đã có quy định việc dẫn giải có thể áp dụng đối với người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan. Quy định mới này sẽ giúp cho việc tiến hành tố tụng của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát được dễ dàng hơn.

           Có thể khẳng định BLHS, BLTTHS lần này đã sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe người khác trong hình sự, giúp cho việc thực thi pháp luật được chính xác hơn trong việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người.

     
    11450 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn Loando1107 vì bài viết hữu ích
    vplschungnguyen (15/12/2017)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận