Theo Pháp lệnh phòng, chống mại dâm 2003 quy định mua dâm, bán dâm là những hành vi nghiêm cấm thực hiện.
Trong đó, tại khoản 1, 2 Điều 3 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm 2003, hành vi mua dâm, bán dâm được quy định như sau:
- Bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.
- Mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu.
Theo đó, hành vi mua bán dâm là hành vi vi phạm pháp luật. Hiện nay, mua bán dâm được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như việc trao đổi tình dục - tiền bạc xảy ra phức tạp hơn.
Cụ thể là cụm từ “Sugar baby - Sugar daddy” không quá xa lạ bởi chúng xuất hiện rất nhiều trên các diễn đàn đặc biệt là trong cộng đồng giới trẻ rất quan tâm.
Theo đó, vấn đề được đặt ra là “Sugar baby - Sugar daddy” có phải là hành vi mua bán dâm hay không?”
Thông qua Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an, Bộ Công an nhận được câu hỏi của ông N.Q.V về vấn đề: “Sugar baby - Sugar daddy” có phải hành vi mua bán dâm không, hành vi này có phải là hành vi phạm tội không ? Phương thức thủ đoạn của hành vi này được các đối tượng thực hiện như thế nào? Những hệ lụy của hành vi này với giới trẻ và xã hội?
Thắc mắc này được Bộ Công an trả lời như sau:
Căn cứ Điều 327, 328 Bộ luật Hình sự 2015, chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi “Chứa mại dâm và Môi giới mại dâm”.
Do đó những người thành lập nhóm Sugar baby - Sugar daddy trên các trang mạng xã hội với mục đích môi giới mại dâm, hoạt động dưới hình thức “Bố nuôi, Mẹ nuôi, Em nuôi…” nhằm thu lợi bất chính sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Phương thức thủ đoạn hoạt động của Sugar baby - Sugar daddy
Theo Bộ Công an, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội là trưởng nhóm (admin) và các thành viên tham gia quản lý các nhóm kín, diễn đàn kín Sugar baby, Sugar daddy hoạt động trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Telegram, Twitter... Các đối tượng này thường xuyên đăng tải các thông tin, hình ảnh nhằm quảng cáo, giới thiệu nhu cầu mua bán dâm để thực hiện hành vi môi giới mại dâm.
Theo đó, trưởng nhóm (admin) là những người môi giới mại dâm chuyên nghiệp, có thể trực tiếp tham gia bán dâm. Qua các mối quan hệ xã hội hoặc thu thập các thông tin cá nhân của những người có nhu cầu bán dâm trên các trang mạng xã hội, trưởng nhóm sẽ tạo nhóm kín tập hợp các đối tượng là người bán dâm (tức là Sugar baby).
Sau đó thực hiện các hình thức quảng cáo, giới thiệu các thông tin người bán dâm trên nhóm này để người mua dâm trực tiếp liên hệ. Ngoài ra, một admin có thể lập và điều hành nhiều nhóm kín khác nhau, một người bán dâm cũng có thể tham gia nhiều nhóm kín khác nhau để thực hiện hành vi bán dâm.
Ngoài ra, trưởng nhóm (admin) có thể là người tập hợp các đối tượng có nhu cầu mua dâm (tức là Sugar, Daddy, Mamy). Từ đó sẽ đăng quảng cáo các thông tin về người bán dâm (tên, tuổi, hình ảnh, giá tiền...) trên nhóm để người có nhu cầu mua dâm lựa chọn và liên hệ. Người mua dâm cũng có thể tham gia nhiều nhóm kín khác nhau để tìm người bán dâm.
Hệ lụy của những hành vi Sugar baby - Sugar daddy đối với giới trẻ và xã hội
Về mặt đạo đức, xã hội: Thể hiện sự lệch lạc về suy nghĩ và lối sống buông thả của các đối tượng là “Bố nuôi”, “Mẹ nuôi”, “Con nuôi”. Điều này cho thấy sự xuống cấp, suy đồi về mặt đạo đức trong xã hội hiện nay.
Bộ Công an cho rằng hậu quả hành vi này để lại rất nặng nề: vợ chồng ly hôn gia đình tan nát; học sinh, sinh viên đánh mất nhân cách và đánh mất chính mình, thích hưởng thụ, lười lao động và phá thai ngoài ý muốn dẫn đến tình trạng vô sinh. Ngoài ra, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ việc gây rối trật tự công cộng do đánh ghen, lừa đảo chiếm đoạt tài sản...
Lưu ý:
Việc lợi dụng hình thức Bố nuôi, Mẹ nuôi, Con nuôi để thực hiện hành vi quan hệ tình dục khi họ chưa đủ 13 tuổi có thể được coi là hành vi hiếp dâm; trong trường hợp không có yếu tố mua bán dâm khi họ đủ 13 đến dưới 16 tuổi sẽ bị xem xét xử lý hành vi “Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người đủ 13 đến dưới 16 tuổi” được quy định tại Điều 145 Bộ luật Hình sự 2015.