Sau đây là 3 đề thi tham khảo môn: Tư vấn pháp luật, Dân sự, Hình sự của lớp đào tạo Luật sư - Học viện Tư pháp. Mong đây sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho mọi người.
Mình sẽ đính kèm file đề và đáp án tham khảo ở dưới. Chúc mọi người học tốt!
1. Đề thi môn: TƯ VẤN PHÁP LUẬT
Công ty TNHH Song Hà (dưới đây gọi là Công ty SH) có địa chỉ tại Phường 15, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh. Đại diện theo pháp luật là ông Đào Văn Thanh, Giám đốc Công ty.
Công ty TNHH thương mại dịch vụ văn hóa BK (dưới đây gọi là Công ty BK) có địa chỉ tại Phường 13, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Đại diện theo pháp luật là bà Lệ Thuỷ, Giám đốc Công ty.
Ngày 23/12/X-6, Công ty BK ký với Công ty SH hợp đồng thuê mặt bằng số 62/HĐ, theo đó Công ty SH cho Công ty BK thuê mặt bằng 462m2 (bao gồm nhà, diện tích mặt tiền) tọa lạc tại địa chỉ 911 Đường 3/2, Phường 14, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh để Công ty BK làm văn phòng. Hợp đồng có các điều khoản cơ bản sau:
- Thời gian thuê: 5 năm kể từ ngày bàn giao mặt bằng;
- Giá thuê: 200 triệu đồng/tháng
- Tiền thuê trả vào ngày 25 hàng tháng;
- Bên thuê chịu chi phí điện nước do bên thuê sử dụng theo đồng hồ điện nước;
- Bên thuê được phép sửa chữa nhỏ nhưng không được làm thay đổi cấu trúc nhà cho thuê;
- Nếu chậm thanh toán tiền thuê hàng tháng thì phải chịu lãi theo quy định của ngân hàng nhưng cũng không được chậm quá 2 tháng, nếu không bên cho thuê sẽ thu hồi lại mặt bằng.
Câu hỏi 1 (1.5 điểm): Nếu bạn là Luật sư của bên cho thuê (Công ty SH), khi soạn thảo hợp đồng nên đưa điều khoản có lợi nào vào trong hợp đồng?
Câu hỏi 2 (1.5 điểm): Hãy tư vấn cho các bên những vấn đề pháp lý để hợp đồng ký kết đảm bảo hiệu lực pháp luật
Tình tiết bổ sung
Hợp đồng đã được thực hiện. Hai bên đã có biên bản bàn giao mặt bằng vào ngày 25/12/X-6. Sau khi nhận mặt bằng, Công ty BK đã tiến hành sửa sang lại nhà đi thuê, thay đổi diện mạo ngôi nhà nhưng không làm ảnh hưởng đến cấu trúc.
Kể từ ngày 25/12/X-6 cho đến tháng 2/X-3 Công ty BK đã thanh toán được 550 triệu tiền thuê. Sang tháng 3/X-3, do biến động về giá, Công ty SH đề nghị Công ty BK bàn bạc lại về giá cho thuê là 300 triệu đồng/tháng nhưng Công ty BK không đồng ý và từ đó cũng ngừng việc thanh toán tiền thuê.
Công ty SH muốn Luật sư cho biết liệu họ có thể đòi lại tài sản cho thuê hay không?
Câu hỏi 3 (1.5 điểm): Việc từ chối thương lượng lại giá thuê có là căn cứ để Công ty SH được lấy lại mặt bằng cho thuê hay không?
Câu hỏi 4 (1.5 điểm): Tư vấn cho Công ty SH để có thể lấy lại mặt bằng cho thuê.
Tình tiết bổ sung
Công ty SH đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị Công ty BK thanh toán nợ và giao trả mặt bằng nhưng Công ty BK vẫn dây dưa, kéo dài không chịu thực hiện việc thanh toán nợ và giao trả mặt bằng.
Đầu năm X, Công ty SH đề nghị Công ty BK tiến hành thanh lý hợp đồng nhưng các bên có bất đồng về hướng giải quyết nợ tiền thuê và trị giá tài sản của Công ty BK đầu tư trên mặt bằng thuê nên việc thanh lý hợp đồng vẫn không được triển khai.
Theo tính toán của Công ty SH thì số nợ lên đến 1,3 tỷ đồng nhưng Công ty BK không đồng ý với số tiền trên vì cho rằng họ phải được cấn trừ số tiền là giá trị mà Công ty BK đã bỏ ra để đầu tư trên mặt bằng thuê. Cụ thể các chi phí cấn trừ gồm việc sơn bả ma tít toàn bộ ngôi nhà, lát gạch hoa cương phần tiền sảnh, ốp gỗ gian chính, thay toàn bộ hệ thống cửa Euro Window. Tổng giá trị lên đến 300 triệu đồng.
Câu hỏi 5 (1.5 điểm): Theo bạn, Công ty SH có phải chịu những chi phí đó không? Phân tích cho khách hàng nguyên nhân của việc bất đồng này?
Tình tiết bổ sung
Cuối năm X, Công ty SH dự định kiện Công ty BK ra Tòa án với các yêu cầu:
- Tiền thuê còn nợ: 1,3 tỷ;
- Lãi suất chậm thanh toán: 200 triệu;
- Phí tư vấn: 5 triệu;
- Thiệt hại trong thời gian tranh chấp làm cho Công ty SH không lấy lại được mặt bằng để cho đơn vị khác thuê: 50 triệu đồng.
Câu hỏi 6 (1.5 điểm): Đánh giá khả năng được Tòa án chấp nhận đối với các yêu cầu nói trên của khách hàng.
Câu hỏi 7 (1 điểm): Luật sư tư vấn cho khách hàng khởi kiện đến tòa án nào? Tại sao?
2. Đề thi môn: DÂN SỰ
Vợ chồng cụ Đinh Thị Gừng và cụ Nguyễn Văn Chín đều trú tại thôn X, xã M, huyện T, Hà nội. Cụ Chín mất năm 1954, cụ Gừng mất năm 1972. Khi chết 2 cụ không phân chia tài sản và không để lại di chúc. Trước khi lấy cụ Chín, cụ Gừng đã có một người con riêng là ông Nguyễn Văn Đống. Vợ chồng cụ Gừng sinh được 2 người con gái là bà Nguyễn Thị Lợi và bà Nguyễn Thị Phê. Trong thời gian chung sống vợ chồng cụ Gừng, cụ Chín có tạo dựng được 1 khối tài sản: 3 gian nhà ở, 2 gian bếp, 1 gian chuồng bò, 1 gian chuồng lợn… trên tổng diện tích đất 1 sào Bắc Bộ (khoảng 360m2) tọa lạc tại thôn X, xã M, huyện T, Hà nội.
Năm 1965 bà Phê đi thoát ly cách mạng và công tác tại Trường sỹ quan công binh thuộc Bộ Tư Lệnh công binh đóng tại địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Năm 1973 bà Phê chuyển công tác về nhà máy thuốc lá Bắc Sơn, nghỉ hưu năm 1990 hiện cư trú tại khu tập thể nhà máy thuốc lá Bắc Sơn, thị xã B, tỉnh N.
Trước và sau khi cụ Gừng qua đời (năm 1972), bà Lợi vẫn sống tại nhà đất của gia đình mình. Đến năm 1977, bà Lợi đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Lâm Đồng và cư trú tại Lâm Đồng từ đó đến nay. Từ năm 1977 nhà đất do vợ chồng bà Hiền quản lý, sử dụng quá trình sử dụng vợ chồng bà Hiền đã phá toàn bộ nhà, các công trình, cây cối để xây dựng nhà mới. Hiện chỉ còn 1 móng nhà cũ trên đất.
Bà Nguyễn Thị Hiền cho rằng: Bà Lợi đã bán nhà, đất của cụ Gừng cho mình chứ không phải nhờ trông giữ hộ với bằng chứng là “giấy bán tài sản” đề ngày 22/7/1977.
Theo lời khai của bà Lợi: Khi đi vùng kinh tế mới bà Lợi có giao lại nhà đất cho bà Nguyễn Thị Hiền ở cùng thôn X và là em họ con ông chú với gia đình mình để trông giữ hộ với cam kết: “Bà Hiền được hưởng mọi hoa lợi trồng trọt được cho đến khi nào bà Lợi và bà Phê về thì phải trả lại nhà đất mà bà nhờ trông giữ hộ đó”.
Theo bà Phê tài sản đang tranh chấp thuộc quyền sở hữu chung của bà và bà Lợi, bà không hề được biết có sự chuyển nhượng nhà đất của gia đình mình giữa bà Lợi với bà Hiền. Đến cuối năm X-1 do gia đình bà Hiền tự ý phá dỡ ngôi nhà lá cũ và không trả lại nhà đất theo yêu cầu của 2 chị em bà.
Vì vậy, ngày 3/10/X bà Phê đến gặp anh (chị) nhờ anh (chị) là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình giúp bà Phê làm đơn khởi kiện bà Hiền ra Tòa yêu cầu đòi lại đất mà bố mẹ bà để lại.
Câu hỏi 1: (1,5 điểm) Anh (chị) cần trao đổi với khách hàng những vấn đề gì trước khi khởi kiện?
Câu hỏi 2: (1 điểm) Anh (chị) hãy xác định Tòa án có thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ án này?
Tình tiết bổ sung
Có ý kiến cho rằng trong vụ kiện này quan hệ tranh chấp là “Đòi nhà đất cho ở nhờ”- áp dụng Nghị quyết 58/1998 giao dịch dân sự về nhà ở xác lập trước ngày 1/7/1991;
Ý kiến khác lại cho rằng đây là quan hệ tranh chấp “Yêu cầu hủy hợp đồng mua bán nhà đất.”
Câu hỏi 3: (1 điểm) Hãy giúp khách hàng lựa chọn quan hệ pháp luật để khởi kiện?
Câu hỏi 4: (1,5 điểm) Anh (chị) hãy giúp khách hàng soạn thảo đơn khởi kiện và chuẩn bị hồ sơ khởi kiện cho nguyên đơn?
Tình tiết bổ sung
Bà Lợi xuất trình giấy bán tài sản lập ngày 22/7/1977 có xác nhận của Ban quản trị Hợp tác xã và chủ tịch UBND xã M. Nội dung giấy thể hiện: “Bà Nguyễn Thị Lợi nhượng lại cho bà Nguyễn Thị Hiền 3 gian nhà, 2 gian bếp, chuồng bò, chuồng lợn làm bằng tre và cây cối trên 1 sào đất. Số tiền các bên thỏa thuận là 1.500 đồng. Bà Lợi đã nhận 1.100 đồng còn lại 400 đồng bà Hiền chịu lại đến tháng 12/1977 trả nốt cho ông Đống nhận thay”
Theo lời khai của ông Đống: Ông khẳng định có việc bà Lợi bán nhà đất cho vợ chồng bà Hiền, ông Hiệp. Ông là người nhận nốt số tiền còn lại 400 đồng do ông Hiệp trả năm 1977. Sau đó ông đã đem số tiền này vào Thanh Hóa trả cho ông Hợi chồng bà Lợi. Nay bà Phê khởi kiện hủy hợp đồng mua bán trên, tôi không có yêu cầu đòi hỏi quyền lợi gì.
Về phía bà Lợi: Bà vẫn khẳng định không bán nhà đất cho vợ chồng bà Hiền. Số tiền bà Lợi có nhận được của vợ chồng bà Hiền là số tiền vợ chồng bà Hiền biếu bà khi đi Lâm Đồng. Bà khai rằng trước khi đi Lâm Đồng, ông Hiệp có đưa bà một tờ giấy ông Hiệp nói: “Chị ký vào giấy này để em ở nhà thuận tiện trong việc đóng thuế” bà Lợi ký nhưng không đọc nội dung vì tin tưởng và vợ chồng bà Hiền.
Câu hỏi 5: (1,5 điểm) Xác định vấn đề trọng tâm vấn đề cần chứng minh trong vụ án này?
Tình tiết bổ sung
Bà Lợi yêu cầu Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định chữ ký của bà trong hợp đồng bán tài sản ngày 22/9/1997. Tại kết luận giám định của Viện khoa học hình sự Bộ công an khẳng định không đủ căn cứ để kết luận chữ ký trong hợp đồng này là của bà Lợi.
Qua kết quả xác minh về nguồn gốc tài sản tại sổ mục kê năm 1960 tại xã, phòng địa chính huyện không lưu giữ nên không rõ chủ sử dụng đất đứng tên ai, loại đất gì, diện tích bao nhiêu m2. Theo sổ địa bạ năm 1986, tờ số 5, thửa số 84, diện tích 360m2, tên chủ sử dụng là ông Trần Hòa Hiệp, loại đất thổ cư. Trích lục bản đồ năm 1994, tờ số 3, thửa số 68, diện tích 332 m2 đứng tên chủ sử dụng là ông Trần Hòa Hiệp, loại đất thổ cư. Diện tích đo hiện trạng sử dụng là 338m2. Hiện tại đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Căn cứ vào các tài liệu này, tại phiên tòa Luật sư của bà Hiền đề nghị tranh chấp này không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mà thuộc thẩm quyền giải quyết của ủy ban nhân dân.
Câu hỏi 6: (1 điểm) Anh (chị) hãy nêu những lập luận để tranh luận lại với quan điểm của Luật sư bị đơn.
Câu hỏi 7: (1,5 điểm) Anh (chị) hãy trình bày những nội dung cơ bản của bản luận cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn tại phiên tòa sơ thẩm.
Tình tiết bổ sung
Hội đồng xét xử Tòa án cấp sơ thẩm nhận định:
“Qua xác minh tại chính quyền địa phương, hàng xóm xung quanh đều phản ánh vợ chồng ông Hiệp đã phá nhà tre đi từ năm 1990 sau đó làm lại 01 nhà cấp 4 xây gạch lợp ngói. Đến năm 2003 ông Hiệp lại phá nhà cấp 4 đi để làm nhà mái bằng 2 tầng như hiện nay. Hiện tại đất còn một móng nhà diện tích 37,4m2 không đủ cơ sở khẳng định đây là móng nhà của cụ Chín, cụ Gừng vì nhà cũ ông Hiệp, bà Hiền đã phá bỏ từ năm 1990. Theo lời khai của ông Phượng (người trực tiếp làm móng nhà cho cụ Chín, cụ Gừng): Ông đã xây nhà cho bà Lợi chứ không phải làm nhà cho cụ Chín, cụ Gừng nhưng chỉ làm phần móng, móng còn lại đang tranh chấp ông không rõ là của bà Hiền xây dựng hay của bà Lợi. Vì vậy di sản thừa kế của cụ Chín, cụ Gừng chỉ còn đất không.
Xét về hình thức hợp đồng bán tài sản ngày 22/9/1997 giữa bà Lợi với bà Hiền là phù hợp với pháp luật. Việc mua bán đã hoàn tất có xác nhận của chính quyền địa phương. Mặc khác, tại thời điểm năm 1977 số tiền 1.500 đồng là rất lớn, vợ chồng bà Hiền điều kiện kinh tế rất khó khăn nên không thể có tiền để biếu bà Lợi như bà đã trình bày. Vì vậy yêu cầu xin hủy hợp đồng bán tài sản ngày 22/9/1977 của bà Phê, bà Lợi không có cơ sở để Hội đồng xét xử chấp nhận
Bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, ngoài ra bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của đương sự”.
Bà Phê không đồng ý với toàn bộ nhận định và quyết định của hội đồng xét xử Tòa án cấp sơ thẩm.
Câu hỏi 8: (1 điểm) Anh (chị) hãy giúp bà Phê soạn thảo đơn kháng cáo.
3. Đề thi môn: HÌNH SỰ
Do có sự mâu thuẫn về đất đai từ trước giữa gia đình Hoàng Văn Hoàn với Hà Thị Dầu, khoảng 16h ngày 27/12/2002, Hoàng Văn Bình là con trai của Hà Thị Dầu có đi qua quán bán nước của gia đình anh Hoàn do cháu Hoàng Thị Duyên 14 tuổi là con gái của anh Hoàn trông hàng. Hai người có nói nhau, sau đó chửi nhau bằng tiếng dân tộc. Bình tức Duyên nên nghĩ sẽ giết Duyên. Bình về nhà lấy con dao thái chuối dài khoảng 50 cm, rộng 7 cm đã mài rất sắc. Bình giấu dao vào cạp quần bên trong áo đằng sau rồi đi vào quán bà Lương Thị Lưu đối diện với quán cháu Duyên khoảng 25m, uống cốc rượu để lấy can đảm.
Đến 17h cùng ngày, Hà Thị Dầu đi qua quán cháu Duyên, Duyên và Dầu lại nói nhau dẫn đến cãi chửi nhau. Dầu lấy nải bằng vải đập vào mặt cháu Duyên. Lúc này chị Đặng Thị Phương là mẹ cháu Duyên đi làm vừa về, thấy vậy ra can ngăn. Bà Hoàng Thị Quy là mẹ anh Hoàn (bà nội của cháu Duyên) cũng ra can. Hà Thị Dầu chửi nhau với gia đình bà Quy. Hai bên to tiếng và xô sát giằng co lẫn nhau. Đỗ Thu Hằng (là vợ của Bình) thấy vậy cũng ra chửi nhau và xông vào đánh cháu Duyên.
Hoàng Kí Khoà (con trai của bà Dầu) nghe con trai nói: “bố ơi, mẹ con bà Quy đánh nhau với bà mình”, thấy vậy Khoà chạy sang nhà anh Hoàn. Hoàng Văn Kết (con trai bà Dầu) đang ở gần đó, nghe tiếng chửi nhau, Kết đi gọi Hoàng Văn Tương (em trai của Kết) rồi cùng nhau đến chỗ đánh nhau. Khi đi, Tương có cầm theo một thanh củi bổ rộng và dài khoảng 80 cm. Lúc này anh Hoàn vừa đi làm về, có vào can không cho cãi chửi nhau nữa, nhưng không can được. Hoàng Văn Bình nhìn thấy hai gia đình đã xảy ra ẩu đả. Trong lúc giằng co, Hà Thị Dầu nói: “hôm nay tao không giết được một đứa, tao là giống chó”. Hai gia đình đánh nhau lộn xộn. Hằng cầm điếu thuốc lào (điếu cày) đánh cháu Duyên, Duyên cầm ghế nhựa đỡ lại. Hoàng Văn Tương cầm cây củi lao vào đánh chị Phương, anh Hoàn. Hà Thị Dầu hô bằng tiếng dân tộc: “giết chết nó đi”, thấy vậy, Bình từ quán nhà bà Lưu xông sang. Lúc này, Duyên đang cầm ghế nhựa thì bị Hoàng Thị Ban (cháu của bà Dầu) xông vào giằng lấy ghế nhựa. Hằng cầm một tay cháu Duyên, còn tay kia ôm ngang lưng cháu Duyên, thấy Bình rút dao từ lưng ra xông vào chỗ Duyên để chém, thì Hằng cúi người xuống thấp, để Bình chém liên tiếp 03 nhát vào đầu, vào tay trái Duyên, sau đó Hằng buông Duyên ra. Duyên ngã xuống đất và nói: “Chú Bình ơi, cháu xin chú Bình”. Duyên gượng dậy, chạy được mấy bước thì ngã, Bình đuổi theo chém tiếp một nhát nữa vào lưng làm Duyên gục hẳn xuống vỉa hè. Thấy vậy, Dầu đứng chống nạnh nói bằng tiếng dân tộc: “Bây giờ tao giết được chúng mày chưa? Tao chỉ sợ chúng mày không chết thôi ”. Trong lúc đánh nhau lộn xộn thì Hoàng Văn Tương dùng thanh củi bổ đánh nhiều nhát vào người chị Phương và anh Hoàn. Sau khi Bình chém cháu Duyên xong thì Bình chạy về phía anh Hoàn vung dao chém tiếp cả anh Hoàn. Bình chém vào đầu anh Hoàn, anh Hoàn kịp nghiêng đầu và giơ tay lên đỡ nên bị chém vào tay. Bình tiếp tục chém phát thứ 2 thì bị Kết giằng dao của Bình. Lúc này đã có nhiều người đến xem và kêu cứu, nên bên gia đình Dầu đã bỏ về. Kết đem theo con dao về đằng sau nhà cất giấu trong đống tro nhà vệ sinh. Còn Bình chạy trốn lên núi. Đến 22h40’ ngày 28/12/2002, Bình ra đầu thú tại công an huyệnV, tỉnh L.
Cháu Duyên, anh Hoàn, chị Phương được mọi người đưa đi Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu. Do vết thương quá nặng, cháu Duyên đã chết ngày 30/12/2002 do vết thương sọ não hở.
Chị Đặng Thị Phương bị gãy hai xương sườn và nhiều vết thương vùng đầu, mặt.
Anh Hoàn bị một vết thương ở cánh tay phải làm mẻ xương và nhiều vết xây sát phần mềm. Tỷ lệ thương tích của anh Hoàn là 12%, chị Phương là 18%.
Câu hỏi 1 (1 điểm): Theo anh (chị), trong vụ án trên, những bị can nào bị truy tố? Truy tố về tội gì, theo điều khoản nào của Bộ luật hình sự?
Câu hỏi 2 (1điểm): Trong vụ án trên, có đồng phạm hay không? Xác định rõ những người là đồng phạm (nếu có) và vị trí đồng phạm của họ.
Tình tiết bổ sung
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh L truy tố các bị can về tình tiết phạm tội có tổ chức (tình tiết định khung) theo tội danh mà anh (chị) xác định như trên.
Câu hỏi 3 (1 điểm): Anh(chị) có nhận xét gì về việc truy tố đó? Giải thích tại sao?
Tình tiết bổ sung
Anh (chị) được bị can Hoàng Văn Bình và gia đình mời bào chữa cho bị can.
Câu hỏi 4 (0,5 điểm): Anh (chị) cần tiến hành những thủ tục gì để tham gia bào chữa cho bị can?
Tình tiết bổ sung
Khi hồ sơ vụ án chuyển sang Toà án nhân dân tỉnh L, gia đình bị can đến gặp anh (chị) và 2 bên đã ký hợp đồng thuê luật sư. Qua trao đổi anh (chị) được biết, cho đến thời điểm đó, gia đình bị can và người bị hại hoàn toàn chưa gặp gỡ nhau, bị can và gia đình bị can cũng chưa bồi thường cho gia đình bị hại.
Câu hỏi 5 (1 điểm): Anh (chị) sẽ làm gì để bảo vệ quyền lợi cho thân chủ trong trường hợp này?
Tình tiết bổ sung
Gia đình bị hại đưa ra yêu cầu bồi thường cho tất cả mọi thành viên bị thiệt hại của họ số tiền 75 triệu đồng thì họ sẽ làm đơn xin miễn tố, nếu là 50 triệu đồng họ sẽ xin cho Hoàng Văn Bình được hưởng án treo hoặc tại ngoại.
Câu hỏi 6 (1 điểm): Là người bào chữa cho Hoàng Văn Bình, anh (chị) sẽ tư vấn cho gia đình Hoàng Văn Bình như thế nào trong tình huống này?
Tình tiết bổ sung
Toà án nhân dân tỉnh L đã triệu tập hợp lệ anh Hoàng Văn Hoàn tham gia phiên toà sơ thẩm. Tuy nhiên, đến ngày mở phiên toà, anh Hoàn đã không có mặt tại Toà án mà không có lý do.
Câu hỏi 7 (1 điểm): Theo anh (chị), anh Hoàn tham gia phiên toà với tư cách tố tụng nào? Nếu vắng mặt anh Hoàn thì Hội đồng xét xử phải giải quyết như thế nào?
Tình tiết bổ sung
Tại phiên toà sơ thẩm ngày 15/07/2006, gia đình bị hại đưa ra mức bồi thường đối với trường hợp nạn nhân Hoàng Thị Duyên bị chết như sau:
1. Khoản tiền nằm viện trước khi chết: 2 triệu đồng
2. Tiền mua quan tài: 6 triệu đồng
3. Cỗ bàn, làm 3 ngày, 49 ngày, 100 ngày: 10 triệu đồng
4. Tiền mua đất, thuê xe (4 xe) đưa tang: 12 triệu đồng
5. Tiền đau thương: 25 triệu đồng
(Tổng cộng là 55 triệu đồng)
Câu hỏi 8 (1 điểm): Anh (chị) có ý kiến gì đối với yêu cầu đòi bồi thường trên?
Tình tiết bổ sung
Phiên tòa sơ thẩm được tiến hành. Tại phiên toà những người tham gia tố tụng khai phù hợp với các tình tiết trong dự kiện của đề bài.
Câu hỏi 9 (1 điểm): Luật sư cần hỏi ai, về vấn đề gì để bảo vệ cho thân chủ?
Câu hỏi 10 (1,5 điểm): Trình bày những vấn đề chính cần bào chữa cho bị cáo Hoàng Văn Bình theo tội danh, điều khoản mà anh (chị) đã xác định ở trên.
Cac
Cập nhật bởi thuychichu ngày 22/05/2017 10:28:34 CH
Chỉnh định dạng để đồng bộ bài viết