Hợp đồng thử việc không bắt buộc phải đóng BHXH - Minh họa
Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn cần có thêm nhiều văn bản hướng dẫn cho Bộ luật lao động 2019, tuy nhiên để trả lời cho câu hỏi “Hợp đồng thử việc theo Bộ luật lao động 2019 có cần đóng bảo hiểm xã hội không?”, ta hoàn toàn có thể căn cứ vào Luật Bảo hiểm xã hội.
Theo quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
“a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng
…”
Như vậy, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội là những người đang làm việc theo “hợp đồng lao động”.
Trở lại với Bộ luật Lao động 2019, tương tự tinh thần của Bộ luật lao động 2012, có sự phân biệt giữa “hợp đồng lao động” và “hợp đồng thử việc”. Tại Điều 24 BLLĐ 2019 có quy định:
“1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.”
Sự khác biệt này nằm ở chỗ, BLLĐ chỉ bắt buộc một số nội dung chủ yếu trong hợp đồng thử việc, không bao gồm chế độ nâng bậc, nâng lương, trang bị bảo hộ lao động và các loại bảo hiểm,... (Khoản 2 Điều 24).
Vì các lý do trên, có thể khẳng định theo quy định tại Bộ luật lao động 2019 và Luật Bảo hiểm xã hội 2014, việc đóng bảo hiểm xã hội là không bắt buộc đối với HĐ thử việc.
Nội dung này cũng đã được trả lời trên Cổng thông tin điện tử của Bộ LĐTBXH, xem TẠI ĐÂY
Trường hợp NLĐ vẫn muốn đóng BHXH trong thời gian thử việc, mời tham khảo bài viết sau:
>>> Vẫn muốn đóng BHXH khi thử việc có được không? Tính thời gian tham gia BHXH như thế nào?