Biểu giá điện mới khiến khách hàng phải trả thêm tiền?

Chủ đề   RSS   
  • #555051 17/08/2020

    shin_butchi
    Top 50
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:18/04/2015
    Tổng số bài viết (1913)
    Số điểm: 87629
    Cảm ơn: 836
    Được cảm ơn 1904 lần


    Biểu giá điện mới khiến khách hàng phải trả thêm tiền?

    Dự thảo biểu giá điện mới của Bộ Công thương vừa đưa ra đã vấp phải ý kiến trái chiều của chuyên gia, người dân.

    Các chuyên gia cho rằng, cần điều chỉnh lại phương án điện 1 giá để phù hợp với mục tiêu không làm thay đổi mức điện sinh hoạt bình quân

    Họ lo ngại biểu giá điện mới khiến rất nhiều khách hàng phải trả thêm tiền.

    “Phương án điện một giá quá cao”

    Bộ Công thương đang lấy ý kiến về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới. Phương án 1 là vẫn tính theo bậc thang nhưng giảm một bậc so với biểu giá 6 bậc hiện hành và phương án 2 là cho khách hàng lựa chọn một trong hai cách tính: 5 bậc thang hoặc một giá điện.

    Với phương án 1, khoảng cách tiêu thụ giữa các bậc và sản lượng tiêu thụ điện ở bậc cao hơn (701 kWh trở lên) được nới rộng nhằm khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm điện, hạn chế một phần tiền điện tăng cao trong những tháng đổi mùa. Người sử dụng dưới 200 kWh và 301-400 kWh một tháng sẽ giữ nguyên hoặc giảm 12.000 đồng một tháng.

    Phương án 2 gồm giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc và một giá, giữ nguyên giá 4 bậc đầu tiên của biểu giá luỹ tiến 5 bậc và chỉ thay đổi ở bậc cuối cùng nhằm “không tác động tới khách hàng thu nhập thấp, trung bình”.

    Cho rằng mức điện một giá đưa ra quá cao, anh Tuấn Minh (Trung Kính, Hà Nội) phân tích, với mức tiêu thụ khoảng 500 kWh/ tháng, nếu theo thang 6 bậc hiện hành thì số tiền điện phải trả là 1.201.700 đồng (giá 1.678 đồng/kWh).

    Theo phương án 5 bậc thang mới, mức trả thấp hơn là 1.194.500 đồng; Nhưng nếu áp điện một giá thì mức tiền phải trả cao hơn: 1.351.500 đồng và 1.445.000 tương ứng mức giá 2.704 đồng/kWh và 2.890 kWh…

    Chưa hết, những gia đình tiêu thụ mức 200-300kWh/tháng ở bậc 4 trong biểu giá 6 bậc sẽ bị trả tiền điện tăng cao hơn (3%) do biểu giá bán lẻ điện mới đã gộp 2 bậc thang 4 và 5 thành 1 bậc 3 (cho kWh từ 201-400).

    “Phương án một giá điện đưa ra khó để các gia đình lựa chọn, bởi phần lớn các gia đình tiêu thụ ở mức từ bậc 1-3 theo thang 5 bậc; Tương đương mức tiêu thụ ngưỡng 0-400 kWh với mức giá cao nhất ở bậc 3 là 2.629 đồng/kWh, thấp hơn mức điện 1 giá thấp nhất được đề xuất (2.704 đồng/kWh).

    Chắc chắn sẽ có nhiều người phải trả tiền cao hơn vì nếu theo phương án 5 bậc thang chỉ có nhóm dùng từ 51-100 kWh và 301-400 kWh được hưởng lợi”, anh Minh lo ngại.

    Vì sao biểu giá điện mới không áp dụng cho tất cả?

    Trao đổi về cách tính biểu giá điện mới, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết, các phương án đưa ra phải đảm bảo mức giá bán lẻ điện bình quân cho tất cả các nhóm khách hàng phải giữ nguyên mức giá 1.864,44 đồng/kWh đã được ban hành tại Quyết định số 648/QĐ-BCT.

    Đồng thời, đảm bảo nguyên tắc “không làm tăng giá bình quân sinh hoạt hiện hành được duyệt”, đặc biệt là nhóm 18,7 triệu khách hàng sử dụng điện dưới 200 kWh/tháng, chiếm 73,4% tổng các khách hàng sinh hoạt do chủ yếu là người lao động, công chức, viên chức…

    Trả lời câu hỏi của PV: Vì sao biểu giá điện mới không áp dụng cho tất cả đối tượng khách hàng”, vị này cho rằng: Phương án này không nhận được sự ủng hộ của phần đông của các bộ ngành đã lấy ý kiến bởi tiền điện sinh hoạt của hộ sử dụng điện dưới 200 kWh/tháng sẽ tăng. Số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội hàng năm cũng sẽ tăng.

    Cụ thể, khách hàng có mức sử dụng điện dưới 200 kWh/tháng (khoảng 18,7 triệu khách hàng) phải trả tăng từ 19.000 - 39.000 đồng/khách hàng/tháng.

    Số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội hàng năm tăng từ mức trên 1.000 tỉ đồng/năm lên khoảng 1.240 tỉ đồng/năm (tăng thêm khoảng 240 tỉ đồng/năm) do mức giá điện 1 giá cao hơn so với giá bậc 1 hiện hành.

    Hơn nữa, việc áp dụng giá điện một giá cho tất cả đối tượng khách hàng sẽ không khuyến khích được việc sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả. Do đó, Bộ Công thương đã lên phương án biểu giá bậc thang 5 bậc song song với phương án 1 giá điện cho khách hàng cân đối, lựa chọn.

    Phải chăng là chủ trương tăng giá?

    Mặc dù vậy, giới chuyên gia đánh giá, phương án giá điện mới lần này chưa hợp lý vì mức một giá điện đưa ra quá cao.

    Theo TS. Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), 3 biểu giá điện mới mà Bộ Công thương đưa ra đều có những điểm mới so với biểu giá điện hiện hành như là rút từ 6 bậc xuống 5 bậc; Ghép các bậc lại với nhau để tăng khoảng cách mức tiêu thụ điện và nới rộng khoảng cách mức tiêu thụ điện cao hơn.

    Về mức giá, có thể thấy, có một số bậc tương đương hoặc giảm hơn so với hiện hành. Bốn bậc đầu tiên tỷ lệ tính giá so với giá bán lẻ điện bình quân giống nhau nên mức giá bằng nhau. Chỉ có bậc 5 từ 700 kW trở lên, có mức tính giá khác nhau nên tiền điện phải trả khác nhau.

    Tuy nhiên, với 3 phương án 1, 2A, 2B (gắn với tỷ trọng tiêu thụ điện của từng phương án lần lượt là 2.058 đồng/kWh; 2.186,54 đồng/kWh; 2.078 đồng/kWh), so với giá bình quân điện sinh hoạt hiện nay là 2.018 đồng/kWh, điều này đã phá vỡ nguyên tắc “không làm tăng giá bình quân hiện hành”.

    Theo ông Thỏa, đối với phương án một giá điện bằng 145% (2A) và 155% (2B) là mức giá quá cao, bởi giá bình quân điện sinh hoạt hiện hành chỉ cao hơn giá điện bán lẻ bình quân khoảng 108% (2.018/1.864,44). Theo 2 phương án trên thì mức chênh lệch này đã vượt quá con số cho phép, tương ứng với mức 172,7% và 114,6%.

    “Điều này cần được xem xét, tính toán lại cho phù hợp với mục đích đề ra”, ông Thỏa nói và băn khoăn: Mức cao hơn này thiếu căn cứ rõ ràng, minh bạch, phải chăng đây là chủ trương tăng giá của các nhà chức trách?

    Theo TS. Nguyễn Tiến Thỏa, nếu phải áp một giá điện thì cần thống nhất lấy mức giá điện sinh hoạt bình quân được tính từ biểu giá điện hiện hành là 2.018 đồng/kWh (chưa VAT) để tính toán bởi giá này đã bảo đảm nguyên tắc bù đắp chi phí và có lãi cho đơn vị kinh doanh.

    Song, xét trên phương diện khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả thì nên chọn phương án biểu giá điện bậc thang, đảm bảo cho khoảng 98,2% tổng số hộ có mức tiêu dùng điện dưới 700kWh/tháng có mức giá điện không tăng, thậm chí có những bậc giá còn giảm.

    Hồng Hạnh

    Theo Báo Giao thông

     
    1439 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận