BHXH là gì?
Ở Việt Nam, khái niệm Bảo hiểm xã hội dường như chỉ quen thuộc với những người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động, công chức, viên chức. Mặc dù đây là một chính sách rất quan trọng của Nhà nước, vẫn còn nhiều người mơ hồ về khái niệm, tính chất của nó. Bài viết này sẽ giải thích ngắn gọn nhất 3 vấn đề liên quan đến BHXH cho bạn đọc!
1. Bảo hiểm xã hội là gì?
Chúng ta vẫn thường nghe thấy trên phim ảnh, báo chí nhắc đến những cụm từ như “an sinh xã hội”, “phúc lợi xã hội” ở các nước khác, trong đó người dân sẽ được nhà nước đảm bảo một số quyền lợi nhất định (thường thấy nhất là khi người dân thất nghiệp hoặc gặp bệnh tật thì sẽ được chi trả).
Tại Việt Nam, những chế độ này sẽ tồn tại dưới những cái tên: Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội, Quỹ hưu trí,... Trong đó, Bảo hiểm xã hội được điều chỉnh bởi một Luật riêng: Luật bảo hiểm xã hội 2014.
Khoản 1 Điều 3 Luật này giải thích:
“Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.”
Có thể hiểu đây là một quỹ của Nhà nước trên cơ sở đóng góp từ người dân, sau đó khoản tiền từ quỹ này sẽ được dùng để hỗ trợ khi người đóng gặp khó khăn hoặc ở trong những giai đoạn đặc biệt mà không thể tiếp tục lao động, kiếm thu nhập.
Quỹ này được lập ra một cách độc lập với ngân sách Nhà nước, được hình thành từ đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động và có sự hỗ trợ của Nhà nước. (Khoản 4 Điều 3 Luật BHXH).
2. Bảo hiểm xã hội có những chế độ nào?
Các chế độ của Bảo hiểm xã hội tại Điều 4 Luật BHXH được quy định như sau:
(1) Bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm các chế độ hỗ trợ:
- Ốm đau
- Thai sản
- Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
- Hưu trí
- Tử tuất
(2) Bảo hiểm xã hội tự nguyện bao gồm các chế độ hỗ trợ:
- Hưu trí;
- Tử tuất.
(3) Bảo hiểm hưu trí bổ sung theo quy định tại Nghị định 88/2016/NĐ-CP
Để biết cụ thể quy định về mức hưởng, điều kiện và thời gian hưởng, chúng ta lại cần đi sâu vào những văn bản hướng dẫn Luật này (bài viết chỉ phân tích những khái niệm cơ bản nhất).
3. Đối tượng tham gia BHXH là ai?
Được quy định tại Điều 2 Luật BHXH, những đối tượng chính phải tham gia BHXH bắt buộc là:
- Người lao động là công dân Việt Nam, gồm: người làm việc theo hợp đồng lao động; cán bộ, công chức, viên chức; một số chức vụ, ví trí làm việc trong quân đội, công an; người Việt Nam xuất khẩu lao động; người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
- Người lao động đến làm việc tại Việt Nam và có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
- Người sử dụng lao động của những đối tượng đóng bảo hiểm xã hội.
Những đối tượng nằm ngoài phạm vi này là những đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Như vậy, trên đây là 3 vấn đề cơ bản nhất về Bảo hiểm xã hội tại Việt Nam. Hy vọng với những thông tin này, các bạn đã hiểu thêm được những kiến thức hữu ích về pháp luật. DanLuat sẽ trở lại với những bài viết giải thích tương tự trong thời gian tới!