Để đảm bảo quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức, thì các bên sẽ có những quy định với nhau về những điều kiện để tránh rủi ro, các văn bản pháp luật cũng có nhiều điều kiện để tránh rủi roc ho các bên. Tương tự như vậy với hoạt động đấu thầu cũng có quy định về đảm bảo thực hiện hợp đồng.
Theo Khoản 2 Điều 4 Luật đấu thầu 2013 quy định đảm bảo thực hiện hợp đồng là nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện một trong các biện pháp đặt cọc, ký quỹ hoặc nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam để bảo đảm trách nhiệm thực hiện hợp đồng của nhà thầu, nhà đầu tư.
Các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng gồm:
+ Đặt cọc
+ Ký quỹ
+ Nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng/chi nhành NH nước ngoài
Việc bảo đảm thực hiện hợp đồng được áp dụng đối với nhà thầu được lựa chọn, trừ nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, nhà thầu được lựa chọn theo hình thức tự thực hiện và tham gia thực hiện của cộng đồng.
Các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng phải thực hiện trước thời điểm hợp đồng có hiệu lực. Tùy theo quy mô, tính chất của gói thầu, giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng được quy định trong hồ sơ mời thầu, từ 2%-10% giá trúng thầu.
Thời gian có hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực cho đến ngày các bên hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc chuyển sang thực hiện nghĩa vụ bảo hành đối với trường hợp có quy định về bảo hành. Trường hợp cần gia hạn lại thời gian thực hiện hợp đồng, phải yêu cầu nhà thầu gia hạn tương ứng thời gian có hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng.
Trường hợp nhà thầu không được hoàn trả bảo đảm thực hiện hợp đồng:
+ Từ chối thực hiện hợp đồng khi đã có hiệu lực
+ Vi phạm thỏa thuận hợp đồng
+ Chậm tiến độ hợp đồng do lỗi của mình nhưng từ chối gia hạn hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng.