Bên cạnh các biện pháp bảo đảm bằng tài sản như cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký cược hay ký quỹ, Bộ luật dân sự (BLDS) còn có quy định về biện pháp bảo đảm là bảo lãnh. Chúng ta thấy bảo lãnh là một cam kết của người thứ ba và được người có quyền chấp nhận, Vì là một giao dịch dân sự làm phát sinh hệ quả pháp lý nên việc bảo lãnh phải được thể hiện dưới một hình thức nhất định là điều thiết yếu, tuy nhiên BLDS 2015 không quy định về hình thức bảo lãnh. Trong khi đó, Điều 362 BLDS 2005 quy định bắt buộc việc bảo lãnh phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản bảo lãnh phải được công chứng hoặc chứng thực.
Đây là điểm mới rất tích cực của BLDS 2015 so với BLDS 2005. Bởi lẽ, việc không quy định về hình thức bảo lãnh sẽ giúp các bên linh hoạt hơn, chủ động hơn trong việc thiết lập quan hệ bảo lãnh. Các bên có thể tự do lựa chọn hình thức là văn bản, bằng lời nói, bằng hành vi cụ thể, trừ trường hợp pháp luật bắt buộc phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.
Tuy nhiên, do không được lập thành văn bản, nên, nếu trường hợp bên bảo lãnh từ chối thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh thì đây sẽ là một vướng mắc lớn. Rõ ràng, bên nhận bảo lãnh không có chứng cứ hay tài liệu nào để chứng minh bên bảo lãnh đã đứng ra bảo lãnh, do đó, quyền yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh của bên nhận bảo lãnh sẽ không thể thực hiện được.
Pháp luật của nhiều nước như Anh, Đức và một số bang của Mỹ có yêu cầu thể hiện việc bảo lãnh dưới dạng văn bản. Xét về giá trị của yêu cầu bảo lãnh bằng văn bản thì BLDS của chúng ta không rõ (nếu không có văn bản nhưng chứng minh được thì bảo lãnh có vô hiệu không?). Việc yêu cầu bảo lãnh thể hiện dưới dạng văn bản giúp chúng ta dễ dàng nhận biết sự tồn tại của bảo lãnh và thông thường việc yêu cầu giao dịch thể hiện bằng văn bản chỉ có vai trò chứng cứ (chứng minh sự tồn tại của giao dịch). Tuy nhiên, trách nhiệm của người bảo lãnh là rất lớn (thực hiện nghĩa vụ của người khác) nên có pháp luật như pháp luật của Đức đưa ra yêu cầu văn bản như một điều kiện có hiệu lực của bảo lãnh. Thiết nghĩ, chúng ta nên theo hướng này đối với bảo lãnh để bảo vệ người bảo lãnh (thường ở diện yếu thế so với người có quyền và phải thực hiện nghĩa vụ của người khác). Và để bảo vệ chính giao dịch bảo lãnh của bản thân, mọi người nên chủ động trong việc lựa chọn hình thức, tránh xảy ra các vướng mắc về sau.