Mới đây có bạn hỏi mình rằng khi bạn đi xin việc có nộp chứng minh đã chứng thực ở quê hơn 4 tháng nhưng nhà tuyển dụng yêu cầu phải chứng thực lại thì mới có giá trị, điều này có đúng hay không và pháp luật có phân định Bản sao của loại giấy tờ có thời hạn và không thời hạn không?
Nội dung này không phải chỉ mình một mà còn nhiều người chưa nắm được quy định hiện hành, dưới đây mình sẽ trả lời vấn đề nêu trên:
Khoản 1, 2 điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch được chứng thực như sau:
1. Bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Đồng thời, pháp luật hiện hành tại Luật Công chứng 2014 không có bất kỳ quy định về việc hạn chế thời hạn sử dụng của bản sao đã được chứng thực hay được cấp từ sổ gốc.
Như vậy theo quy định hiện hành có thể hiểu thời hạn của bản sao y là vô thời hạn.
Tuy nhiên, với thực tế hiện nay cần sự can thiệp của pháp luật để rõ ràng trong việc quy định thời hạn của bạn sao ý của các loại giấy tờ:
- Bản sao “vô hạn”: Là bản sao được chứng thực từ các loại giấy tờ có giá trị vô hạn (bảng điểm, bằng cử nhân, kỹ sư…) thì bản sao có giá trị pháp lý vô hạn. Vì với các loại văn bằng, chứng chỉ về cơ bản thì sẽ không thay đổi đối với người được cấp, kể cả khi họ đã chết.
- Bản sao “hữu hạn”: Là bản sao được chứng thực từ các loại giấy tờ có xác định thời hạn (chứng minh nhân dân, căn cước công dân,... ) thì bản sao chỉ có giá trị trong thời hạn bản gốc còn giá trị.bởi những loại giấy tờ đó có thể thay đổi sau một thời gian.