"Hàng xách tay" được hiểu là các loại mặt hàng hóa được mang từ nước ngoài về Việt Nam qua đường xách tay như: người thân ở nước ngoài, đi du lịch nước ngoài xách tay như một loại hành lý và mang về, nhân viên hàng không mua hàng ở nước sở tại mang về, vài cá nhân hoặc công ty đứng ra làm dịch vụ mua hàng và chuyển về Việt Nam...
Không nằm trong danh mục hàng hóa nhập lậu: theo khoản 6 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP:
6. “Hàng hóa nhập lậu” gồm:
a) Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu;
b) Hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật;
c) Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;
d) Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;
đ) Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.
Bán hàng xách tay đáp ứng các điều kiện như sau:
- Hàng hóa đó đã được thông qua hải quan theo thủ tục đối với hành lí của người xuất, nhập cảnh, được quy định tại Điều 59 Nghị định 08/2015/NĐ-CP;
- Đảm bảo đúng số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;
- Hàng hóa không trong danh mục những mặt hàng cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật;
- Hàng hóa có hóa đơn, chứng từ kèm theo và đúng quy định của pháp luật về quản lí hóa đơn.
Đóng đủ các loại thuế sau:
– Thuế nhập khẩu;
– Thuế giá trị gia tăng;
– Lệ phí hải quan;
– Một số hàng hóa có thể phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường…
Như vậy, khi hàng xách tay đáp ứng đủ các điều kiện trên và chủ kinh doanh đóng đầy đủ các loại thuế, phí theo đúng quy định pháp luật thì việc kinh doanh hàng xách tay được xem là hợp pháp và đúng quy định của pháp luật.
Xử lí bán hàng xách tay vi phạm pháp luật:
Trường hợp bán hàng xách tay vi phạm pháp luật tùy thuộc mức độ vi phạm mà người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ- CP cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500.000-50 triệu đồng, tuỳ thuộc giá trị hàng hoá nhập lậu. Còn tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt 1-100 triệu đồng.
Mức xử phạt sẽ tăng lên gấp đôi, tối đa 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức nếu người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc phòng bệnh và thuốc... có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về trách nhiệm hình sự, người có hành vi vi phạm có dấu hiệu của Tội buôn lậu theo quy định tại Điều 188 Bộ luật hình sự 2015 thì sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.