Bản án tranh chấp trong kinh doanh thương mại

Chủ đề   RSS   
  • #263638 23/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Bản án tranh chấp trong kinh doanh thương mại

    Số hiệu

    200/2006/KDTM-PT

    Tiêu đề

    Bản án tranh chấp trong kinh doanh thương mại

    Ngày ban hành

    12/10/2006

    Cấp xét xử

    Phúc thẩm

    Lĩnh vực

    Kinh tế

     

    TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    TÒA PHÚC THẨM TẠI HÀ NỘI

    ------------------

    Bản án số:200/2006/KDTM-PT

    Ngày 12/10/2006

    V/v: tranh chấp trong kinh doanh thương mại

    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc Lập - Tự do - Hạnh phúc
    ----------------------------------L.8

    NHÂN DANH

    NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    TÒA PHÚC THẨM

    TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO TẠI HÀ NỘI

    Với thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm có:

    Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Ông Trần Trọng Liên;

    Các Thẩm phán: Ông Trần Văn Tuân;

    Ông Hà Tiến Triển.

    Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên tòa: Ông Nguyễn Hải Bằng, cán bộ Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội.

    Ngày 12 tháng 10 năm 2006, tại trụ sở Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội, xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số32/2005/KDTM-PT ngày 10 tháng 7 năm 2006 về tranh chấp trong kinh doanh thương mại.

    Do bản án dân sự sơ thẩm số01/KDTM-ST ngày 29 tháng 5 năm 2006 của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tây bị kháng cáo.

    Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 2506/2006/QĐPT ngày 25/9/2006 giữa các đương sự:

    Nguyên đơnCông ty TNHH sản xuất và thương mại Thanh Luân

    Trụ sở: 930 C1, khu công nghiệp Cát Lái, phường Thanh Mỹ Lợi, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh.

    Đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ông Đỗ Xuân Bình, trú tại số 14, phố Nam Ngư, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

    Bị đơnCông ty cổ phần đầu tư sản xuất động cơ phụ tùng và lắp ráp ô tô xe máy Lisohaka.

    Trụ sở: xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây.

    Người đại diện: Ông Vũ Mạnh Hà – Tổng giám đốc Công ty ủy quyền cho ông Nguyễn Trung Kiên, ông Kiên có mặt.

    NHẬN THẤY

    Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Thanh Luân và Công ty cổ phần đầu tư sản xuất động cơ phụ tùng và lắp ráp ô tô xe máy Lisohaka cùng thỏa thuận và ký kết một số hợp đồng kinh tế. Theo các hợp đồng kinh tế số01/XNTL-L1/HĐKT ngày 01/10/2002, số02/XNTL-L1/HĐKT ngày 12/7/2002, số03/XNTL-L1/HĐKT ngày 01/10/2002 hai bên thỏa thuận: Công ty Thanh Luân bán cho Công ty Lisohaka vành xe máy gồm: vành trước là 60.000 cái, vành sau là 60.000 cái. Tổng giá trị cả 03 hợp đồng là 4.909.080.000 đồng, kèm theo thỏa thuận thanh toán theo từng hóa đơn xuất hàng trong vòng 30 ngày kể từ ngày Công ty Thành Luân giao hàng.

    Hợp đồng số 01 MTL-L1/HĐKT ngày 12/11/2002 Công ty Thành Luân bán cho Công ty Lisohaka 15.000 mặt nạ nhựa, tổng giá trị hợp đồng là 67.500.000 đồng và thỏa thuận thanh toán trong vòng 20 ngày kể từ ngày giao nhận hàng.

    Việc giao nhận hàng và trả tiền giữa hai bên được thực hiện:

    - Về loại hàng vành xe máy tính đến thời điểm cuối cùng là ngày 24/10/2003 Công ty Thanh Luân đã giao số lượng hàng trị giá 4.473.644.252 đồng, Công ty Lisohaka đã trả 3.875.713.918 đồng còn nợ là 597.930.334 đồng.

    - Về loại hàng mặt nạ nhựa tính đến ngày 10/9/2003 Công ty Thanh Luân đã giao trị giá 125.613.000 đồng tính trừ một số hàng phải trả lại thì giá trị còn lại là 125.263.000 đồng, Công ty Lisohaka chưa trả được đồng nào.

    Tại biên bản đối chiếu công nợ này 17/11/2003 hai bên xác nhận: Tổng số tiền Công ty Lisohaka còn nợ của Công ty Thanh Luân là 729.193.334 đồng, trong đó nợ tiền vành xe máy là 597.930.334 đồng; tiền mặt nạ nhựa là 125.263.000 đồng và 6.000.000 đ tiền khuôn đúc phía Công ty Thanh Luân đã ứng trả thay cho Công ty Lisohaka.

    Sau khi chốt nhận nợ, Công ty Thanh Luân đã nhiều lần đôn đốc, nhắc nợ; ngày 22/4/2004 Công ty Lisohaka trả tiếp 50.000.000 đồng. Ngày 17/10/2005 Công ty Thanh Luân đã có công văn số 101/2005/CV gửi Lisohaka yêu cầu trả nốt số nợ gốc 679.193.334 đồng trước ngày 25/10/2005; mặc dù đã nhận được văn bản nhưng Công ty Lisohaka không trả lời và cũng không thanh toán nợ. Do vậy ngày 06/12/2005 Công ty Thanh Luân đã có đơn khởi kiện yêu cầu buộc Công ty Lisohaka phải trả số nợ gốc là 679.193.334 đồng và khoản tiền lãi do chậm thanh toán theo quy định của pháp luật.

    Sau khi thụ lý vụ án Tòa án đã có thông báo số 39/2006/TBTL ngày 23/01/2006 ông Vũ Mạnh Hà giám đốc Công ty đã trực tiếp nhận thông báo nhưng sau đó không có văn bản trả lời và không chấp hành việc triệu tập của Tòa án. Tuy vậy, ngày 17/02/2006, Công ty Lisohaka cũng lại đã chuyển trả thêm được 10.000.000 đồng.

    Trong quá trình thực hiện hai bên không có sự tranh chấp về các điều khoản đã cam kết; vấn đề còn tồn tại cần giải quyết là nợ tồn đọng sau khi hai bên chấm dứt hợp đồng.

    Tại biên bản đối chiếu xác nhận nợ ngày 17/11/2003 đại diện của Công ty Lisohaka xác định số nợ còn phải trả cho Công ty Thanh Luân tiền hàng là 723.193.334 đồng; đây là căn cứ để Công ty Thanh Luân khởi kiện đòi nợ đối với Công ty Lisohaka. Quá trình chứng minh cho việc khởi kiện Công ty Thanh Luân xác nhận sau thời điểm ký biên bản xác nhận nợ Công ty Lisohaka đã chuyển tiếp được hai đợt ngày 22/4/2004 là 50.000.000 đồng và ngày 17/02/2006 là 10.000.000 đồng, như vậy số tiền hàng còn nợ tính đến thời điểm xét xử còn là 663.193.334 đồng.

    Cùng với yêu cầu đòi số nợ gốc, Công ty Thanh Luân còn yêu cầu Công ty Lisohaka phải hoàn trả lãi phát sinh trong thời gian chậm thanh toán là 208.947.323 đồng. Xem xét cách tính lãi của phía Công ty Thanh Luân tại đơn đề nghị đề ngày 18/4/2006 và lời trình bày tại phiên tòa thì thấy không hợp lý vì Công ty Thanh Luân đã gộp cả khoản tiền khuôn để tính lãi và tính lãi lũy tiến (lấy lãi cộng gốc) để tính theo từng giai đoạn điều chỉnh lãi suất của ngân hàng là không phù hợp.

    Để giải quyết vấn đề này, thấy rằng quan hệ hợp đồng giữa hai bên được giao kết và thực hiện xong trước thời điểm Bộ luật dân sự năm 2005 có hiệu lực, nay mới xảy ra tranh chấp nên theo quy định của Nghị quyết số 45/2005/QH11 của Quốc hội thì khi giải quyết được áp dụng các quy định của Luật dân sự 1995; yêu cầu tính lãi chậm trả của Công ty Thanh Luân là phù hợp với Điều 313 Bộ luật dân sự (1995), Điều 233 Luật Thương mại và đó cũng là thỏa thuận của hai bên khi ký kết hợp đồng

    Theo hợp đồng thì việc thanh toán phải thực hiện không quá 20 ngày đối với mặt nạ nhựa, không quá 30 ngày đối với vành xe máy kể từ ngày bên A giao hàng theo từng hóa đơn; ngoài thời hạn trên được coi là chậm trả; tuy nhiên trong quá trình thực hiện phía Công ty Thanh Luân mặc nhiên chấp nhận việc chậm thanh toán mà không có ý kiến gì; tại biên bản ��ối chiếu nợ ngày 17/11/2003 Công ty Thanh Luân cũng chỉ ghi nhận khoản nợ gốc mà không đề cập đến lãi quá hạn. Do vậy thời điểm tính lãi suất lấy mốc từ ngày đối chiếu xác nhận công nợ các lần trả tiếp theo được tính trừ vào gốc; mức lãi suất quá hạn tính theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định ở thời điểm xác nhận công nợ và sau mỗi lần trả nợ tiếp theo.

    Theo đó, lãi suất chậm trả phía Công ty Lisohaka phải chịu sẽ là:

    - Từ 17/11/2003 đến 22/4/2004 (5 tháng 5 ngày), lãi suất quá hạn 0,625%/tháng x 150% = 0,9375% /tháng (theo quyết định1573/QĐ-NHNN ngày 18/11/2003 của Ngân hàng Nhà nước).

    723.193.334 đồng x 0,9375%/tháng x 5 tháng 5 ngày = 34.993.225 đồng.

    - Từ 22/4/2004 đến 17/2/2006 (21 tháng 25 ngày), lãi suất quá hạn 0,625%/tháng x 150% = 0,9375%/tháng (theo quyết định315/QĐ-NHNN ngày 31/3/2004 của Ngân hàng Nhà nước).

    723.193.334 đồng – 50.000.000 đồng = 673.193.334 đồng/ gốc còn 673.193.334 đồng x 0,9375%/tháng x 21 tháng 25 ngày = 137.624.587 đồng.

    -Từ ngày 17/02/2006 đến ngày xét xử sơ thẩm (3 tháng 12 ngày)

    673.193.334 đồng x 1,031%/tháng x 3 tháng 12 ngày = 23.247.578 đồng.

    Như vậy, tổng số tiền Công ty Lisohaka còn phải trả cho Công ty Thanh Luân là:

    + Tiền nợ gốc là 663.193.334 đồng

    + Tiền lãi phát sinh là 195.865.390 đồng

    + Tiền khuôn đúc 6.000.000 đồng

    Tổng là 865.958.724 đồng.

    Tại bản án số01/2006/KDTM-ST ngày 29/05.2006, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tây áp dụng Điều 233 Luật Thương mại; các Điều 295, 313, 431 Bộ luật dân sự (năm 1995).

    Xử chấp nhận yêu cầu đòi nợ của Công ty Thanh Luân.

    - Buộc Công ty Lisohaka phải trả Công ty Thanh Luân 865.058.724 đồng (trong đó 669.193.334 đồng tiền gốc và 195.865.390 đồng tiền lãi).

    - Kể từ ngày Công ty Thanh Luân có đơn yêu cầu thi hành án Công ty Lisohaka còn phải trả thêm khoản lãi suất theo mức lãi suất quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tại thời điểm thi hành án tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành.

    Công ty Thanh Luân giao trả Công ty Lisohaka bộ khuôn đúc hiện đang quản lý.

    Công ty Lisohaka phải nộp 25.000.000 đông án phí dân sự sơ thẩm.

    Hoàn trả Công ty Thanh Luân 20.000.000 đồng tạm ứng án phí.

    Ngày 09 tháng 6 năm 2006, Công ty cổ phần đầu tư sản xuất động cơ phụ tùng và lắp ráp xe máy Lisohaka kháng cáo đề nghị xem xét lại bản án sơ thẩm.

    XÉT THẤY

    Ngày 18/9/2005, Tòa phúc thẩm đã triệu tập phiên tòa để xét xử phúc thẩm do có kháng cáo của Công ty cổ phần đầu tư sản xuất động cơ phụ tùng và lắp ráp ô tô xe máy Lisohaka. Tại phiên tòa phúc thẩm Công ty Lisohaka đề nghị tạm hoãn phiên tòa để Công ty đối chiếu công nợ với Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Thanh Luân. Hội đồng xét xử đã chấp nhận đề nghị của Công ty Lisohaka.

    Tại phiên tòa hôm nay 12/10/2006, Công ty trách nhiệm hữu hạn và sản xuất thương mại Thanh Luân trình bày rằng hai bên đã tự thỏa thuận xong về phương thức trả nợ. Do vậy, đại diện cho nguyên đơn xin rút đơn khởi kiện đòi nợ đối với Công ty cổ phần đầu tư sản suất động cơ phụ tùng xe máy và lắp ráp ô tô xe máy Lisohaka.

    - Đại diện cho Công ty cổ phần đầu tư sản xuất động cơ phụ tùng xe máy và lắp ráp ô tô xe máy Lisohaka chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của Công ty trách nhiệm hữu hạn và sản xuất thương mại Thanh Luân.

    Bởi các lẽ trên,

    Căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 192; điểm b khoản 1 Điều 269 Bộ luật tố tụng dân sự.

    QUYẾT ĐỊNH

    1. Chấp nhận việc rút toàn bộ đơn khởi kiện của Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Thanh Luân, kiện đòi nợ Công ty cổ phần đầu tư sản xuất động cơ phụ tùng xe máy và lắp ráp ô tô xe máy Lisohaka.

    2. Đình chỉ việc xét xử vụ án tranh chấp trong kinh doanh thương mại về đòi nợ giữa Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Thanh Luân và Công ty cổ phần đầu tư sản xuất động cơ phụ tùng xe máy và lắp ráp ô tô xe máy Lisohaka.

    3. Hủy bản án sơ thẩm số01/2006/KDTM-ST ngày 29/5/2006 của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tây.

    4. Xung công quỹ tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp của Công ty Lisohaka là 100.000 đồng.

    5. Trả lại Công ty Lisohaka 100.000 đồng tiền dự phí.

    Hoàn trả lại Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Thanh Luân tiền tạm ứng án phí là 20.000.000 đồng (Hai mươi triệu đồng chẵn) theo biên lai thu số 295 ngày 05/01/2006.

    Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

    Nơi nhận:

    - VKSNDTC (Viện PT1);

    - TAND tỉnh Hà Tây;

    - VKSND tỉnh Hà Tây;

    - Nguyên đơn (theo đ/c);

    - Bị đơn (theo đ/c);

    - Lưu HS, TPT.

    TM.HỘI ĐỒNG XÉT XỬ PHÚC THẨM

    THẨM PHÁN - CHỦ TỌA PHIÊN TÒA

    Trần Trọng Liên

    (Đã ký)

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 23/05/2013 04:09:45 CH
     
    11558 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận