Bản án tranh chấp hợp đồng tín dụng

Chủ đề   RSS   
  • #263649 23/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Bản án tranh chấp hợp đồng tín dụng

    Số hiệu

    242/2006/KDTM-PT

    Tiêu đề

    Bản án tranh chấp hợp đồng tín dụng

    Ngày ban hành

    21/11/2006

    Cấp xét xử

    Phúc thẩm

    Lĩnh vực

    Kinh tế

     

    TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    TÒA PHÚC THẨM TẠI HÀ NỘI

    ------------------

    Bản án số:242/2006/KDTM-PT

    Ngày 21/11/2006

    V/v: tranh chấp hợp đồng tín dụng

    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc Lập - Tự do - Hạnh phúc
    ----------------------------------H.8

    NHÂN DANH

    NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    TÒA PHÚC THẨM

    TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO TẠI HÀ NỘI

    Với thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm có:

    Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Ông Cáp Văn Chinh;

    Các Thẩm phán: Ông Đào Văn Tiến;

    Ông Nguyễn Huy Chương.

    Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên tòa: Ông Phạm Trí Trung, cán bộ Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội.

    Ngày 21 tháng 11 năm 2006, tại trụ sở Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số42/2006/TL-KDTM ngày 14 tháng 8 năm 2006 về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa các đương sự:

    * Nguyên đơn: Ngân hàng Công thương Việt Nam;

    Trụ sở: 108 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

    Đại diện: ông Tô Văn Chánh – Giám đốc Ngân hàng Công thương chi nhánh O, được Tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam ủy quyền tham gia tại phiên tòa phúc thẩm.

    * Bị đơn: Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng;

    Trụ sở: 201 phố Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

    Đại diện: ông Nguyễn Thanh Hùng, được tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng ủy quyền tham gia tại phiên tòa phúc thẩm.

    Có luật sư Phan Thị Hương Thủy bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn tại phiên tòa.

    NHẬN THẤY

    Ngày 07-3-1995, Công ty xuất nhập khẩu sản xuất cung ứng vật tư, bộ Giao thông vận tải nay chuyển đổi là Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng có thư bảo lãnh số 142 cho Chi nhánh Sài Gòn Vietracimex là đơn vị thuộc Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng vay tiền của Chi nhánh ngân hàng Công thương thành phố Hồ Chí Minh thuộc Ngân hàng Công thương Việt Nam. Thư bảo lãnh với số tiền 10 tỷ đồng có tài khoản 710-A00477 tại Ngân hàng Công thương Việt Nam và tài khoản ngoại tệ số 362-111-37-0333 tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Từ sự bảo lãnh này, Chi nhánh Sài Gòn Vietracimex đã lập khế ước vay Ngân hàng như sau:

    1. Ngày 29-7-1995 mở L/C số 0104106/T95LC91 trả chậm một năm không quy định lãi suất, nhưng có phí chuyển tiền với số tiền là 232.416 USD. Từ ngày 23-8-1996 đến ngày 15-11-1996 đã trả được 203.670 USD. Đến nay còn nợ gốc 28.746 USD.

    2. Khế ước số 95000634 ngày 02-10-1995 vay số tiền là 2.500.000 đồng (hai tỷ năm trăm triệu đồng) và đã trả lãi trong hạn được 75.405.947 đồng.

    3. Khế ước số 9500034 ngày 29-11-1995 vày 3.000.000 đồng (ba tỷ đồng). Chưa trả được gốc và lãi quá hạn.

    4. Khế ước số 9501051 ngày 26-12-1995 vay 6.375.000.000 đồng (sáu tỷ ba trăm bảy lăm triệu đồng), hợp đồng ngoại tệ còn nợ 28.746 USD.

    Ngày 15-4-1997 Ngân hàng Nhà nước có công văn số 109 và ngày 26-4-1997 Ngân hàng Công thương Việt Nam có công văn số 867 cho Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng được khoanh nợ 5 năm là được trừ lãi đã thu vào gốc là 975.000.000 đồng, Như vậy, tổng số tiền mà phía bị đơn đã trả được 1.600.000.000 đồng tiền gốc. Còn nợ gốc sau khoanh nợ là 5.400.000.000 đồng và 28.746 USD.

    Hết thời gian khoanh nợ, ngày 02-02-2004 Ngân hàng Công thương đã đến Chi nhánh Sài Gòn Vietracimex lập biên bản nhận nợ và hai bên đã xác nhận với nhau: Sài Gòn Vietracimex còn nợ Ngân hàng là 5.400.000.000 đồng tiền gốc và 3.544.152.741 đồng tiền lãi quá hạn. Về ngoại tệ: nợ gốc 28.746 USD, lãi nợ quá hạn 16.994,39 USD.

    Tại đơn khởi kiện và các lời khai tại Tòa án Hà Nội, nguyên đơn đều yêu cầu Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng là người bảo lãnh cho chi nhánh Sài Gòn Vietracimex vay số tiền trên của Ngân hàng từ năm 1995 đến nay chưa thanh toán phải có trách nhiệm thanh toán cho phía ngân hàng toàn bộ tiền gốc và lãi quá hạn.

    Phía bị đơn ông Vũ Đức Toàn đại diện cho Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng trình bày: ông nhất trí với lời khai của ông Đặng Đình Dũng – Giám đốc chi nhánh Sài Gòn Vietracimex đã trình bày tại Tòa án Hà Nội và xác nhận số nợ của chi nhánh Sài Gòn tại biên bản đối chất và hòa giải không thành ngày 07-9-2004. Trước kia Tổng công ty có thư bảo lãnh cho chi nhánh vay tiền của Ngân hàng Công thương, đã trả được một số và đã trả được khoanh nợ 5 năm, đến nay còn nợ 5.400.000.000 đồng Việt Nam và 28.746 USD và lãi suất quá hạn. Nhưng nay Tổng công ty không chấp nhận trả lãi, đề nghị Ngân hàng xem xét vì số tiền này Công ty đã bị một số cán bộ gây thất thoát, đã bị xét xử theo pháp luật và đến nay chưa bồi thường cho Công ty nên Công ty chưa có thể trả lại cho Ngân hàng và đề nghị Ngân hàng xem xét lãi suất quá hạn.

    Quá trình giải quyết vụ kiện bị đơn chuyển đổi thành doanh nghiệp cổ phần hóa. Vì thế ngày 24-01-2005 Tòa án Hà Nội ra quyết định tạm đình chỉ số 02 với lý do chờ kết quả cơ quan khác giải quyết rồi mới giải quyết tiếp.

    Sau khi Tòa án Hà Nội có quyết định tạm đình chỉ ngày 27-01-2005 Ngân hàng Công thương Việt Nam đã kháng cáo.

    Ngày 22-02-2006, Ngân hàng Công thương Việt Nam có đơn xin rút kháng cáo tại Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội.

    Ngày 06-3-2006, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm và giao hồ sơ về Tòa án Hà Nội giải quyết tiếp việc kiện. Ngày 16-3-2006 Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã thụ lý giải quyết tiếp vụ kiện trên.

    Tại bản án sơ thẩm số46/2006/KDTM-ST, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định:

    Căn cứ các Điều 29, 58, 60, 131, 245 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004,

    Căn cứ các Điều 361, 362, 388 Bộ luật dân sự năm 2005,

    Căn cứ các Điều 51, 54, 56, 60 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2004 và NĐ 70/CP của Chính phủ quy định án phí, xử:

    1. Chấp nhận đơn khởi kiện của Ngân hàng Công thương Việt Nam.

    2. Buộc Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng (Vietracimex) có trách nhiệm thanh toán trả Ngân hàng Công thương Việt Nam, toàn bộ tiền gốc và lãi quá hạn còn nợ trong các hợp đồng tín dụng tổng cộng là 10.783.133.442 đồng (mười tỷ bảy trăm tám ba triệu một trăm ba mươi ba nghìn bốn trăm bốn mươi hai đồng).

    Sau khi án có hiệu lực pháp luật, bên thanh toán chưa trả thì phải chịu lãi suất quá hạn theo quy định của pháp luật.

    3. Bác các yêu cầu khác của các đương sự.

    Về án phí: Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng phải chịu án phí kinh tế sơ thẩm là 37.783.133 đồng (ba mươi bảy triệu bảy trăm tám mươi ba nghìn một trăm ba mươi ba đồng).

    Tòa án cấp sơ thẩm còn thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

    Ngày 19-6-2006 người đại diện Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng là ông Võ Nhật Thắng kháng cáo cho rằng quyết định của bản án sơ thẩm không phù hợp với các tình tiết của vụ án, không đúng pháp luật, đề nghị xem xét toàn bộ vụ án sơ thẩm.

    Ngày 20-6-2006 người đại diện Ngân hàng Công thương Việt Nam là ông Tô Văn Chánh kháng cáo cho rằng cách tính số tiền lãi trong phần quyết định của bản án sơ thẩm là không đúng với các quy định pháp luật về tín dụng, đề nghị xem xét lại.

    XÉT THẤY

    Bản án dân sự số 46 ngày 2, 5 tháng 6 năm 2006 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xử về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng Công thương Việt Nam và Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng là dựa trên cơ sở chứng cứ. Có việc hai bên ký kết các hợp đồng tín dụng được lập dưới hình thức khế ước nhận nợ, gồm 03 khế ước.

    1. Khế ước số 9500634 ngày 02-10-1995 số tiền vay nợ là 2,5 tỷ đồng. Đã trả được 625 triệu đồng còn nợ 1,875 tỷ đồng.

    2. Khế ước nhận nợ số 9500934 số tiền là 3 tỷ đồng (chưa trả).

    3. Khế ước số 9501051 ngày 26-12-1995 số tiền là 1,5 tỷ đồng (chưa trả).

    Ngoài ra 03 khế ước nhận nợ trên còn một khoản nợ của thư tín dụng là 232.416 USD đã trả 203.670 USD còn nợ 28.746 USD.

    Việc đối chiếu các khoản nợ nêu trên đã được hai bên bàn bạc và thống nhất với nhau trong các buổi làm việc được lập thành biên bản có trong hồ sơ. Và tại các biên bản hòa giải không thành cũng đều có ghi rõ các khoản nợ đó. Từ đó mà Hội đồng xét xử sơ thẩm đã quyết định buộc bị đơn phải thanh toán trả nguyên đơn khoản tiền còn nợ cả gốc và lãi.

    Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay phía bị đơn đã phản bác lại quyết đinh của án sơ thẩm cụ thể những vấn đề sau:

    Thứ nhất là về chủ thể trong quan hệ dân sự phía bị đơn cho rằng các văn bản bảo lãnh của Tổng công ty chỉ bảo lãnh cho đến hết thời hạn khi mà công ty đã chuyển sang hợp nhất là ngày 27-11-1995. Còn các khế ước ký sau ngày đó là không có hiệu lực.

    Vấn đề nữa là đối với việc bảo lãnh thư tín dụng không thuộc trong diện bảo lãnh của văn bản bảo lãnh 142 của Tổng công ty đối với chi nhánh, cho nên Tổng công ty không chịu trách nhiệm.

    Xét thấy trong quan hệ về việc dân sự trong vụ án này giữa Tổng công ty và công ty chi nhánh phải được xét theo nguyên tắc thực hiện của Luật Doanh nghiệp năm 1995. Luật có hiệu lực từ 20-4-1995.

    Tại Điều 19 của luật có quy định – chi nhánh của doanh nghiệp Nhà nước không có tư cách pháp nhân, doanh nghiệp Nhà nước chịu trách nhiệm dân sự đối với chi nhánh của doanh nghiệp.

    Vậy thì mọi quy định của Tổng công ty đối với chi nhánh mà trái với quy định của điều luật đều không được pháp luật thừa nhận – mà chỉ có giá trị trong nội bộ của Tổng công ty mà thôi. Đối chiếu với trường hợp cụ thể này thì Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng (là bị đơn trong vụ án này) phải chịu trách nhiệm dân sự với mọi trường hợp của chi nhánh trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh của mình, còn mọi quy định về trách nhiệm mà chi nhánh làm sai thì chi nhánh chịu trách nhiệm đối với Tổng công ty.

    Từ phân tích trên thấy án sơ thẩm xác định Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng phải chịu trách nhiệm trả nợ gốc đối với Ngân hàng Công thương chi nhánh I thành phố Hồ Chí Minh về cả 03 khế ước và khoản nợ theo thư tín dụng là đúng vì các khế ước và thư tín dụng đều được lập kể từ sau ngày Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 1999 có hiệu lực thi hành.

    Ngoài việc quy định tại Điều 19 của Luật doanh nghiệp Nhà nước đã viện dẫn ở trên thì nay Tổng công ty đã tiến hành cổ phần hóa thì Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng cũng vẫn phải chịu trách nhiệm đối với khoản nợ trên vì tại Điều 8 Nghị đình số 187/2004 ngày 16 tháng 11 năm 2004 về việc chuyển công ty Nhà nước thành Công ty cổ phần của Chính phủ có quy định tại Điều 8: Nguyên tắc kế thừa quyền và nghĩa vụ của Công ty cổ phần được chuyển đổi từ Công ty Nhà nước:

    “1. …

    2. Công ty cổ phần được chủ động sử dụng toàn bộ tài sản, tiền vốn đã cổ phần hóa để tổ chức sản xuất, kinh doanh kế thừa mọi quyền lợi, nghĩa vụ trách nhiệm của Công ty Nhà nước trước khi cổ phần hóa và có các quyền nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.”

    Thứ hai: xét về nội dung để quy kết có trách nhiệm trả nợ thì thấy:

    Tại phiên tòa cũng như những chứng cứ mà phía bị đơn xuất trình đều đã được xem xét tại phiên tòa. Cụ thể các khế ước nhận nợ là đều có, có việc chi nhánh đã nhận tiền vay bằng séc. Sau đó nhập về quỹ của Công ty và tiếp đó chuyển về Ngân hàng Công thương chi nhánh IV. Tiếp đó chuyển trả nợ vay về Ngân hàng Công thương chi nhánh I, nhưng tất cả số tiền chuyển trả theo cách lập phiếu ủy nhiệm chi, nhưng là chuyển trả vào khoản nợ vay trước đó. Cụ thể khi vay thì vay từ tài khoản có ký hiệu …B, khi trả thì chuyển về tài khoản có ký hiệu …A, hai tài khoản này khác nhau nên không được coi là đã trả nợ xong, vì trên thực tế thì chi nhánh còn nợ Ngân hàng Công thương chi nhánh I nhiều món nợ trước đó chưa trả. Vì theo nghiệp vụ ngân hàng quy định mỗi khế ước vay đều có mã số tài khoản của khế ước đó nên khi vay ở khế ước nào thì khi trả phải trả đúng vào khế ước đó mới được công nhận là có trả.

    Về khoản thanh toán khoản tiền nợ mở thư tín dụng:

    Xem xét trên thực tế thì Ngân hàng đã thanh toán trả chủ hàng (Hàn Quốc) toàn bộ số tiền theo như hợp đồng. Còn phía Chi nhánh Sài Gòn Vietracimex mới thanh toán trả về cho Ngân hàng 03 phiếu theo như Ngân hàng đã xuất trình. Nay phía bị đơn chỉ chứng minh được mới chuyển trả tiền về đến Ngân hàng Công thương IV nhưng cũng vẫn chưa đủ, nên không có căn cứ là đã thanh toán xong mà chỉ có căn cứ như án sơ thẩm đã quyết về khoản nợ này là chính xác.

    Căn cứ vào việc chứng minh rằng những chứng cứ mà phía nguyên đơn xuất trình thì thấy việc thừa nhận của bị đơn trước đây trong quá trình xây dựng hồ sơ trong các lời khai và trong các buổi hòa giải đều thừa nhận là còn nợ các khoản tiền theo như án sơ thẩm đã quy kết là hoàn toàn đúng.

    Về khoản tiền lãi: bản án sơ thẩm đã căn cứ vào đề nghị của phía nguyên đơn trên cơ sở tại các đơn khởi kiện và các văn bản mà phía ngân hàng đã dựa trên cơ sở quy định của Ngân hàng Nhà nước để tính mức lãi suất là có căn cứ nay phía Ngân hàng đề nghị được tính với mức lãi suất cao hơn theo một mức như ở tại đơn kháng cáo và tại phiên tòa phúc thẩm là không thể chấp nhận được mà cần giữ nguyên khoản tiền lãi như án sơ thẩm đã quyết định.

    Bởi các lẽ trên,

    Căn cứ vào khoản 3 Điều 275 Bộ luật tố tụng dân sự.

    QUYẾT ĐỊNH

    Không chấp nhận đơn kháng cáo của nguyên đơn và đơn kháng cáo của bị đơn. Giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm.

    - Căn cứ các Điều 29, 58, 60, 131, 245 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004.

    - Căn cứ các Điều 361, 362, 363, 388 Bộ luật dân sự năm 2005.

    - Căn cứ các Điều 51, 54, 56, 60 Luật tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2004 và Nghị định 70 của Chính phủ quy định về án phí.

    1. Chấp nhận đơn khởi kiện của Ngân hàng Công thương Việt Nam.

    2. Buộc Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng (Vietracimex) có trách nhiệm thanh toán trả Ngân hàng Công thương Việt Nam toàn bộ số tiền gốc và lãi quá hạn còn nợ trong các hợp đồng tín dụng, tổng cộng là 10.783.133.442 đồng (mười tỷ bảy trăm tám mươi ba triệu một trăm ba mươi ba nghìn bốn trăm bốn mươi hai đồng).

    Kể từ ngày bản có có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành xong bản án tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành.

    3. Bác các yêu cầu khác của các đương sự.

    Về án phí: Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng phải chịu án phí kinh tế sơ thẩm là 37.783.133 đồng (ba mươi bảy triệu bảy trăm tám mươi ba nghìn một trăm ba mươi ba đồng).

    Ngân hàng Công thương Việt Nam được lấy lại dự phí kháng cáo đã nộp 15.000.000 đồng (Mười lăm triệu đồng) tại tài khoản số 921.90.007 kho bạc Hà Nội của Phòng thi hành án dân sự Hà Nội.

    Các đương sự kháng cáo không được chấp nhận phải chịu án phí phúc thẩm dân sự (kinh tế) mỗi đương sự là 200.000 đồng. Được trừ vào khoản tiền dự phí kháng cáo đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 007395 ngày 26-6-2006 và biên lai số 007389 ngày 19-6-2006 của Phòng thi hành án thành phố Hà Nội.

    Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

    Nơi nhận:

    - TAND thành phố Hà Nội

    - VKSNDTC (Viện PT1)

    - VKSND thành phố Hà Nội

    - CQTHADS Hà Nội

    - Nguyên đơn (theo đ/c)

    - Bị đơn (theo đ/c)

    - Lưu (2b)

    TM.HỘI ĐỒNG XÉT XỬ PHÚC THẨM

    THẨM PHÁN-CHỦ TỌA PHIÊN TÒA

    Cáp Văn Chinh

    (Đã ký)

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 23/05/2013 04:18:38 CH
     
    18335 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận