Ăn đằng sóng, nói đằng gió là gì? Lợi dụng MXH để đăng thông tin bịa đặt bị phạt hành chính thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #613331 27/06/2024

    Ăn đằng sóng, nói đằng gió là gì? Lợi dụng MXH để đăng thông tin bịa đặt bị phạt hành chính thế nào?

    Ăn đằng sóng, nói đằng gió có nghĩa là gì? Hành vi lợi dụng mạng xã hội để đăng tải thông tin bịa đặt, sai sự thật bị xử phạt hành chính như thế nào?

    Ăn đằng sóng, nói đằng gió là gì? Lợi dụng mạng xã hội để đăng tải thông tin bịa đặt, sai sự thật bị xử phạt hành chính như thế nào?

    Ăn đằng sóng, nói đằng gió là gì?

    Văn hóa dân gian Việt Nam còn lưu giữ nhiều thành ngữ về lời ăn tiếng nói. Nó xuất phát từ một kinh nghiệm sống rằng, lời nói rất quan trọng, có thể ảnh hưởng xấu hoặc tốt tới người khác và từ đó tác động tới người nói.

    "Ăn đằng sóng" ẩn dụ cho việc nghe ngóng thông tin, nhìn thấy sự việc nào đó; còn "nói đằng gió" ẩn dụ cho việc chúng ta đi bịa đặt, nói dối về những gì đã nghe, nhìn.

    "Ăn đằng sóng, nói đằng gió" là thành ngữ phê phán những người ăn nói điêu ngoa, chuyên đi nói dối, nói không đúng sự thật, bịa đặt.

    Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo.

    Lợi dụng mạng xã hội để đăng tải thông tin bịa đặt, sai sự thật bị xử phạt hành chính như thế nào?

    "Ăn đằng sóng, nói đằng gió" là hành vi gây ảnh hưởng tiêu cực đến những người xung quanh, đáng lên án trong xã hội. Điển hình trong thời gian gần đây, tình trạng lợi dụng mạng xã hội để đăng tải thông tin bịa đặt, sai sự thật đang gây báo động và diễn biến ngày càng phức tạp, với xu hướng gia tăng. Vậy hành vi này bị xử phạt hành chính như thế nào?

    Căn cứ Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP) quy định về xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội như sau:

    - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

    + Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

    + Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

    + Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;

    + Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;

    + Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;

    + Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;

    + Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;

    + Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.

    - Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

    - Biện pháp khắc phục hậu quả:

    Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP).

    Như vậy, hành vi lợi dụng mạng xã hội để đăng tải thông tin bịa đặt, sai sự thật sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

    Lưu ý: Mức phạt tiền quy định trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức (Căn cứ khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP).

    Bên cạnh đó còn buộc phải gỡ bỏ thông tin bịa đặt, sai sự thật do thực hiện hành vi vi phạm.
    Như vậy, thành ngữ "Ăn đằng sóng, nói đằng gió" nhằm phê phán những người ăn nói điêu ngoa, chuyên đi nói dối, nói không đúng sự thật, bịa đặt, làm ảnh hưởng tiêu cực đến danh dự người khác.

    Hành vi lợi dụng mạng xã hội để đăng tải thông tin bịa đặt, sai sự thật sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, đồng thời buộc phải gỡ bỏ thông tin vi phạm.

     
    411 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận