“Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt” là gì? Tái phạm hành vi trộm cắp tài sản có bị phạt tù?

Chủ đề   RSS   
  • #611748 20/05/2024

    lamtuyet9366
    Top 500
    Lớp 2

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:04/05/2024
    Tổng số bài viết (265)
    Số điểm: 3374
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 142 lần


    “Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt” là gì? Tái phạm hành vi trộm cắp tài sản có bị phạt tù?

    Trong dân gian có câu tục ngữ "Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt" để ám chỉ việc một thói quen xấu nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ trở thành hành vi lặp đi lặp lại và khó từ bỏ. 

    Hành vi trộm cắp tài sản không chỉ là vi phạm đạo đức mà còn là hành vi phạm pháp nghiêm trọng. Nhưng liệu khi tái phạm hành vi trộm cắp, người vi phạm có bị truy cứu phạt tù hay không?

     

    (1)  Hành vi “Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt” là gì?

    Ông bà ta ngày xưa có câu “Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt”, nghĩa là người thường xuyên ăn cắp sẽ quen tay, thấy đồ đạc liền táy máy tay chân muốn lấy, nếu không ngăn chặn kịp thời, sẽ trở thành thói quen khó bỏ, vẫn sẽ tiếp tục việc trộm cắp sau khi bị phát hiện. Tương tự, "ngủ ngày quen mắt" chỉ việc lười biếng, thích ngủ ngày và sống thụ động cũng sẽ trở thành thói quen khó thay đổi.

    Câu tục ngữ này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rèn luyện, giáo dục và tự kiểm soát để tránh những thói quen xấu ảnh hưởng đến cuộc sống và xã hội.

    (2) Trộm cắp tài sản sẽ bị xử phạt thế nào?

    Đối với hành vi trộm cắp tài sản lần đầu, không gây hậu quả nghiêm trọng về giá trị tài sản thiệt hại (dưới 02 triệu), chưa bị kết án về 01 trong các tội về chiếm đoạt tài sản thì người thực hiện hành vi vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính. 

    - Tại điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định tội trộm cắp tài sản bị phạt tiền từ 1 triệu - 2 triệu đồng.

    - Tùy thuộc vào thiệt hại về tài sản và mức độ nghiêm trọng gây ra, người có hành vi trộm cắp tài sản còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự trước pháp luật.

    (3) Tái phạm hành vi trộm cắp tài sản có bị phạt tù?

    - Tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử phạt.

    Cá nhân đã bị ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà lại thực hiện hành vi thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đó, theo khoản 5, khoản 6 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020.

    - Đối với hành vi trộm cắp tài sản đã bị xử phạt hành chính theo  Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP nhưng vẫn tiếp tục hành vi trộm cắp thì sẽ bị xử phạt như sau:

    Cụ thể tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 về tội trộm cắp tài sản như sau:

     Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm:

    + Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm.

    + Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật Hình sự năm 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

    + Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

    + Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

    + Tài sản là di vật, cổ vật.

    Tóm lại, đối với trường hợp khi đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hay đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật Hình sự năm 2015, chưa được xóa án tích mà còn tái phạm hành vi trộm cắp lần nữa thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mức phạt tù cao nhất là 3 năm.

     
    636 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận