Ai sẽ là người bồi thường cho người ngồi tù oan sai?

Chủ đề   RSS   
  • #611575 16/05/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1070)
    Số điểm: 18031
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 358 lần
    SMod

    Ai sẽ là người bồi thường cho người ngồi tù oan sai?

    Ngồi tù oan sai là trường hợp hiếm gặp ở Việt Nam, tuy nhiên pháp luật vẫn có quy định về quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường trong trường hợp trên. Vậy, ai sẽ là người bồi thường cho người ngồi tù oan sai?

    Vừa qua trên khắp các trang MXH đang xôn xao vụ việc một giám đốc công ty sau khi bị bắt giam hơn bốn năm rưỡi. Đến nay, công an đình chỉ điều tra bị can đối với ông do hành vi không cấu thành tội phạm.

    Theo ông, việc bị bắt giam khiến ông từ chủ một công ty nay đã phải đi làm bảo vệ, ảnh hưởng đến cuộc sống và danh tiếng của ông. Ông đã ủy quyền cho luật sư làm các thủ tục để yêu cầu cơ quan tố tụng xin lỗi công khai, bồi thường oan sai.

    Ai sẽ được yêu cầu Nhà nước bồi thường?

    Theo Điều 2 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được quy định tại  Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017

    Trong đó, người bị thiệt hại theo khoản 1 Điều 3 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 là cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.

    Cũng theo Điều 5 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định những người sau đây có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường:

    - Người bị thiệt hại.

    - Người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại.

    - Người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015

    - Cá nhân, pháp nhân được những người quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 5 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 ủy quyền thực hiện quyền yêu cầu bồi thường.

    Đồng thời, theo Điều 18  Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự quy định Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, người đã bị kết án tử hình, người đã thi hành án tử hình mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm.

    Như vậy, những người bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì sẽ được yêu cầu Nhà nước bồi thường thiệt hại. Theo đó, người ngồi tù oan sai được yêu cầu Nhà nước bồi thường thiệt hại.

    Ai sẽ là người bồi thường cho người ngồi tù oan sai?

    Theo khoản 6 và khoản 7 Điều 3 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định 

    - Người giải quyết bồi thường là người được cơ quan giải quyết bồi thường cử để thực hiện việc giải quyết yêu cầu bồi thường.

    - Cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật về tố tụng.

    Theo đó có thể thấy người thi hành công vụ là người trực tiếp làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị thiệt hại, tuy nhiên, cơ quan giải quyết bồi thường sẽ cử người giải quyết bồi thường để thực hiện bồi thường cho người ngồi tù oan sai.

    Đồng thời, người thi hành công vụ gây thiệt hại cũng sẽ có những quyền và nghĩa vụ theo Điều 14 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường như sau:

    - Người thi hành công vụ gây thiệt hại có quyền sau đây:

    + Được nhận văn bản, quyết định về việc giải quyết yêu cầu bồi thường liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017;

    + Tố cáo hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường, xác định trách nhiệm hoàn trả theo quy định của pháp luật về tố cáo; khiếu nại, khởi kiện quyết định hoàn trả và kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật về khiếu nại, pháp luật về tố tụng hành chính;

    + Quyền khác theo quy định của pháp luật.

    - Người thi hành công vụ gây thiệt hại có nghĩa vụ sau đây:

    + Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác, trung thực thông tin, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết yêu cầu bồi thường theo yêu cầu của cơ quan giải quyết bồi thường và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp thông tin, tài liệu của mình;

    + Tham gia đầy đủ vào quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường theo yêu cầu của cơ quan giải quyết bồi thường và quá trình xác định trách nhiệm hoàn trả theo yêu cầu của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại;

    + Hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại;

    + Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

    Như vậy, dù người giải quyết bồi thường là người khác nhưng người thi hành công vụ gây thiệt hại vẫn phải hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan trực tiếp quản lý họ.

    Hành vi nào bị nghiêm cấm trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường?

    Theo Điều 16 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường bao gồm:

    - Giả mạo tài liệu, giấy tờ hoặc cung cấp tài liệu, chứng cứ sai sự thật trong hồ sơ yêu cầu bồi thường và trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường.

    - Thông đồng giữa người yêu cầu bồi thường với người giải quyết bồi thường, người có liên quan để trục lợi.

    - Lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp trái pháp luật vào quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường, xác định trách nhiệm hoàn trả và xem xét, xử lý kỷ luật người thi hành công vụ gây thiệt hại.

    - Không giải quyết yêu cầu bồi thường hoặc không ra quyết định giải quyết bồi thường hoặc giải quyết yêu cầu bồi thường trái pháp luật.

    - Không thực hiện việc xác định trách nhiệm hoàn trả hoặc không xem xét, xử lý kỷ luật người thi hành công vụ gây thiệt hại.

    - Sách nhiễu, cản trở hoạt động giải quyết yêu cầu bồi thường.

    Như vậy, người giải quyết bồi thường và cơ quan giải quyết bồi thường sẽ không được thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm như trên trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường.

     
    261 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận