Lưu ý về dịch vụ cho thuê người yêu
Có nhiều bạn trẻ vì áp lực của gia đình về chuyện đã có người yêu chưa? Khi nào lập gia đình? Đây là một trong những áp lực và nguyên nhân khiến các bạn tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu trong các dịp lễ. Bên cạnh đó, cũng có bạn trẻ vì chưa tìm được người phù hợp mà trong những ngày lễ cảm thấy cần một ai đó bên cạnh thì các bạn cũng tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu. Bài viết ngày hôm nay sẽ cho bạn những lưu ý về dịch vụ cho thuê người yêu để tránh vi phạm pháp luật.
1/ Cho thuê người yêu là dịch vụ gì?
Theo quy định tại Điều 513 Bộ luật dân sự 2015 về hợp đồng dịch vụ như sau:
Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.
Tại Điều 514 Bộ luật dân sự 2015 quy định đối tượng của hợp đồng dịch vụ là công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Hiện nay, đứng dưới góc độ pháp lý thì dịch vụ cho thuê người yêu là giao dịch dân sự, là một hình thức hợp đồng dịch vụ.
2/ Dịch vụ cho thuê người yêu có vi phạm pháp luật không?
Theo pháp luật dân sự và pháp luật thương mại của Việt Nam, không có bất cứ quy định nào về dịch vụ thuê người yêu hay loại hình kinh doanh này trong hệ thống ngành nghề kinh tế. Bên cạnh đó cũng chưa có một quy tắc cụ thể nào để xác định hành vi trái đạo đức xã hội.
Dịch vụ cho thuê người yêu là một loại quan hệ pháp luật dân sự, một bên nhằm đáp ứng nhu cầu về tinh thần, một bên nhằm mục đích tài sản, vật chất sau khi hoàn thành công việc. Về mặt tích cực thì dịch vụ cho thuê người yêu giải quyết nhu cầu của một số cá nhân trong xã hội nếu hành vi, công việc thực hiện không trái quy định của pháp luật.
Ngoài ra, để có một ngày lễ vui vẻ, hai bên có thể thỏa thuận với nhau về tiêu chuẩn “người yêu”, tiền dịch vụ và việc giữ bí mật thông tin trong suốt thời gian thực hiện dịch vụ này. Khi xã hội ngày càng phát triển những bạn trẻ quá bận và không có thời gian để tìm hiểu một mối quan hệ nào thì dịch vụ này giải quyết ngay tức thời nhu cầu về tinh thần trong các dịp lễ tết. Bên cung ứng dịch vụ cũng nhận được một khoản thù lao tương xứng với công sức của mình.
Hiện nay, pháp luật chưa có quy định điều chỉnh về dịch vụ cho thuê người yêu. Do đó, dịch vụ này hoàn toàn có thể bị kẻ xấu lợi dụng để cung cấp các dịch vụ vi phạm pháp luật như mua bán dâm, các dịch vụ có liên quan đến mua bán dâm hoặc để hoạt động mại dâm.
Đây là hành vi trái pháp luật sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Những trường hợp nghiêm trọng hơn thì có thể bị xử lý hình sự về tội môi giới mại dâm theo Điều 328 Bộ luật hình sự 2015 với mức phạt tù từ 06 tháng đến 15 năm tù tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm.
Như vậy, một số việc làm tuyệt đối không được thực hiện như lợi dụng thuê người yêu để hiếp dâm, cưỡng dâm, mại dâm, môi giới mại dâm,… Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
3/ Xử lý tranh chấp thế nào?
Bản chất của dịch vụ cho thuê người yêu là giao dịch dân sự và là hình thức của hợp đồng dịch vụ. Trong trường hợp giữa bên thuê dịch vụ và bên cung ứng dịch vụ có xảy ra tranh chấp pháp luật có điều chỉnh về tranh chấp hợp đồng dân sự, khi đó có một trong các bên nếu cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm sẽ có quyền khởi kiện ra cơ quan có thẩm quyền hoặc Tòa án để giải quyết.
Cập nhật bởi NgocHoLaw ngày 02/01/2021 10:11:42 SA