Về chế độ, chính sách đối với công chức trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

Chủ đề   RSS   
  • #618251 11/01/2025

    Về chế độ, chính sách đối với công chức trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

    Xin hỏi Luật sư: Tôi sinh 12/10/1978, đã công tác được 22 năm 04 tháng, tại huyện có hệ số phu cấp 0,7 (Tương đương độc hại), mức lương đóng bảo hiểm hiện tại là 11.800.000 đồng (Bậc 2 CVC, 4,74) . Hiện đang là công chức lãnh đạo của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, thuộc đơn vị sắp xếp, tổ chức lại. Xin hỏi nếu tôi xin nghỉ theo chính sách thôi việc ngay sau khi có Quyết định sắp xếp lại Phòng, thì sẽ được hưởng các chính sách nào, mức hưởng như thế nào? Xin trân trọng cảm ơn Luật sư?

    chính tả
     
    77 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn huongloan1210@gmail.com vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (20/01/2025)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #618300   20/01/2025

    lshieutran
    lshieutran

    Male
    Luật sư địa phương

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:23/10/2023
    Tổng số bài viết (17)
    Số điểm: 85
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 14 lần
    Lawyer

    Về chế độ, chính sách đối với công chức trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

    Chào bạn, 

    Căn cứ Điều 9 Nghị định 178/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị quy định:

    "Điều 9. Chính sách nghỉ thôi việc đối với cán bộ, công chức quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị định này

    Cán bộ, công chức có tuổi đời từ đủ 02 năm trở lên đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP và không đủ điều kiện hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi quy định tại Điều 7 Nghị định này, nếu nghỉ thôi việc thì được hưởng các chế độ như sau:

    1. Được hưởng trợ cấp thôi việc:

    a) Đối với người nghỉ thôi việc trong thời hạn 12 tháng đầu tiên kể từ khi có quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp bằng 0,8 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc.

    b) Đối với người nghỉ thôi việc từ tháng thứ 13 trở đi kể từ khi có quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền thì được hưởng bằng 0,4 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc.

    2. Được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

    3. Được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

    4. Được trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm."

    Căn cứ Điều 5 Thông tư 1/2025/TT-BNV hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành quy định:

    "Điều 5. Cách tính hưởng chính sách nghỉ thôi việc đối với cán bộ, công chức và cán bộ, công chức cấp xã

    Cán bộ, công chức và cán bộ, công chức cấp xã quy định tại Điều 2 Thông tư này được cơ quan có thẩm quyền cho nghỉ thôi việc thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP; đồng thời được hưởng 03 khoản trợ cấp quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 4 Điều 9 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP như sau:

    1. Trợ cấp thôi việc:

    Đối với người nghỉ thôi việc trong thời hạn 12 tháng đầu tiên:

    Mức trợ cấp = Tiền lương tháng hiện hưởng quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này x 0,8 x Thời gian để tính trợ cấp thôi việc quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP

    Đối với người nghỉ thôi việc từ tháng thứ 13 trở đi:

    Mức trợ cấp = Tiền lương tháng hiện hưởng quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này x 0,4 x Thời gian để tính trợ cấp thôi việc quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP

    2. Trợ cấp 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc:

    Mức trợ cấp = Tiền lương tháng hiện hưởng quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này x 1,5 x Số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP

    3. Trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm:

    Mức trợ cấp = Tiền lương tháng hiện hưởng quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này x 3"

    Điều 5 Nghị định 178/2024/NĐ-CP quy định:

    "Điều 5. Cách xác định thời gian và tiền lương để tính hưởng chính sách,chế độ

    ...

    2. Thời gian để tính trợ cấp thôi việc là thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng vũ trang quy định tại Điều 1 Nghị định này:

    a) Trường hợp thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 05 năm trở lên thì thời gian tính hưởng trợ cấp thôi việc tối đa 05 năm (60 tháng).

    b) Trường hợp thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc dưới 05 năm thì thời gian tính hưởng trợ cấp thôi việc bằng thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

    3. Thời gian để tính trợ cấp theo số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 2 Điều 7, khoản 2 Điều 9 và khoản 2 Điều 10 Nghị định này là tổng thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (theo sổ bảo hiểm xã hội của mỗi người) nhưng chưa hưởng trợ cấp thôi việc, mất việc làm hoặc chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần hoặc chưa hưởng chế độ phục viên, xuất ngũ. Trường hợp tổng thời gian để tính trợ cấp có tháng lẻ thì được tính tròn theo nguyên tắc: từ 01 tháng đến đủ 06 tháng tính là 0,5 năm; từ trên 06 tháng đến dưới 12 tháng tính tròn là 01 năm..."

    Theo đó, nếu bạn xin nghỉ theo chính sách nghỉ thôi việc ngay trong thời hạn 12 tháng đầu tiên kể từ khi có quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy thì bạn sẽ được hưởng các chế độ sau:

    - Trợ cấp thôi việc  = 0.8 tháng tiền lương hiện hưởng x 60 tháng

    - Trợ cấp 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc = Tiền lương tháng hiện hưởng x 1,5 x 22,5 (do bạn đóng BXHH 22 năm 4 tháng nên sẽ làm tròn thành 22.5 năm)

    - Trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm = Tiền lương tháng hiện hưởng x 3

    Về tiền lương tháng hiện hưởng, bạn xác định theo hướng dẫn sau:

    Theo Khoản 2 Điều 3 Thông tư 1/2025/TT-BNV quy định thì tiền lương tháng hiện hưởng bao gồm: Mức tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh, chức danh nghề nghiệp và các khoản tiền phụ cấp lương (gồm: Phụ cấp chức vụ lãnh đạo; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp thâm niên nghề; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp trách nhiệm theo nghề; phụ cấp công vụ; phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội, nếu có).

    Tiền lương tháng hiện hưởng = Hệ số lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh, chức danh nghề nghiệp x Mức lương cơ sở +Hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) x Mức lương cơ sở + Mức tiền các khoản phụ cấp tính theo lương ngạch, bậc, chức vụ, chức danh, chức danh nghề nghiệp (nếu có).

    Thông tin trao đổi cùng bạn!  

     
    Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn lshieutran vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (20/01/2025)

Tư vấn của Luật sư có tính chất tham khảo, bạn có thể liên hệ trực tiếp với Luật sư theo thông tin sau: