Chào bạn,
Liên quan đến nội dung bạn nêu thì có một vấn đề như sau: hiện trong các quy định của pháp luật không có khái niệm về ngoại tình mà chỉ có quy định cấm theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
"Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình
...
2. Cấm các hành vi sau đây:
...
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;"
Tại mục 3.1 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn áp dụng Chương XV “Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” của Bộ luật hình sự do Bộ Tư pháp – Bộ Công an – TANDTC – Viện KSNDTC ban hành.
Theo đó, chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình.
Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc:
+ Có con chung;
+ Được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng;
+ Có tài sản chung;
+ Đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó;
...
Theo đó, chứng minh việc vi phạm quy định chung sống như vợ chồng theo quy định nêu trên. Các bằng chứng như có giấy tờ chứng minh có tài chung,con chung, xác nhận của hàng xóm việc chung sống hoặc hàng xóm làm chứng về nội dung trên...
Theo Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân được pháp luật bảo vệ về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, cụ thể:
+ Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
+ Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
+ Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định…
Theo đó, đời sống riêng tư, bí mật đời tư của cá nhân được bảo về, việc thu thập thu thập thông tin của cá nhân nếu không được người đó đồng ý là vi phạm pháp luật. Việc mình tự thu thập bằng chứng thì cũng phải đảm bảo quy định nêu trên, nếu mình lấy bằng chứng bằng việc xem tin nhắn, hình ảnh của mẹ mà không được sự dụng đồng ý cũng là vi phạm. Do đó, cần cẩn trọng trong việc thu thập bằng chứng tránh trường hợp những bằng chứng thu thập không hợp pháp sẽ không được sử dụng và có thể bị xử lý vì vi phạm quy định về việc bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân.
Thông tin trao đổi cùng bạn!
Luật Sư Nguyễn Thành Huân
Top luật sư Uy Tín tại TP.HCM
SĐT: 0979800000