Chào bạn,
Vấn đề bạn hỏi, Luật sư Đào Liên - Công ty Luật Tiền Phong tư vấn cho bạn như sau:
Giao dịch giữa chú bạn và bên bán đất là giao dịch dân sự theo đó hai bên đang tranh chấp hợp đồng đặt cọc để ký và thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Nếu bên nhận đặt cọc uỷ quyền cho người khác thực hiện các nội dung đàm phán, thương lượng với chú bạn về việc huỷ cọc thì phải có uỷ quyền bằng văn bản nhưng pháp luật không bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực.
Hình thức lập vi bằng về giao dịch uỷ quyền thực chất là bên thừa phát lại ghi nhận sự kiện uỷ quyền của hai bên, chứng thực tính xác thực của giao dịch về thời gian, chủ thể và địa điểm, nội dung giao dịch. Việc này chỉ làm tăng tính xác tín của giao dịch và bạn có thể an tâm khi làm việc với bên được uỷ quyền.
Về giải quyết hậu quả của hành vi vi phạm hợp đồng đặt cọc.
Theo quy định của pháp luật, nếu các bên không có thoả thuận khác thì một bên nhận cọc để cam kết chuyển nhượng tài sản nhưng lại không thực hiện thì phải trả lại tiền đặt cọc và bị phạt một khoản tương đương tiền đặt cọc. Trường hợp các bên có thoả thuận thì thực hiện việc phạt cọc theo thoả thuận.
Trên đây là nội dung tư vấn của luật sư, hi vọng giúp bạn làm sáng tỏ vấn đề mà bạn đang quan tâm, nếu bạn còn băn khoăn hoặc cần tư vấn chi tiết hơn nữa, vui lòng kết nối đến tổng đài 1900 6289 để được hỗ trợ.