Chào bạn,
Vấn đề bạn hỏi liên quan đến thẩm quyền của giám đốc và giám đốc chi nhánh cũng như vấn đề ủy quyền, Luật sư Đào Liên - Công ty Luật Tiền Phong tư vấn cho bạn như sau:
1. Vấn đề ủy quyền
Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty là người điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty, chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị; chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao.
Giám đốc có thể là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nếu được ghi nhận trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, có quyền thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Giám đốc có thể ủy quyền cho giám đốc hi nhánh thực hiện công việc thuộc thẩm quyền của mình, tuy nhiên, trong trường hợp giám đốc công ty đồng thời là giám đốc chi nhánh thì việc ủy quyền này lại không được thừa nhận vì người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó (Điều 144 Bộ Luật Dân sự).
Khi chi nhánh đã có người đứng đầu thì người này có trách nhiệm tổ chức hoạt động của chi nhánh, ký các giấy tờ, giao dịch, hợp đồng của chi nhánh, không cần văn bản ủy quyền của giám đốc công ty.
2. Về chức năng, thẩm quyền của hội đồng quản trị/đại hội đồng cổ đông
Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty không thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông. Đại hội đồng cổ đông gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần.
Quyền và nghĩa vụ của hội đồng quản trị được quy định tại điều 149 Luật Doanh nghiệp; quyền và nghĩa vụ của đại hội đồng cổ đông được quy định tại điều 135 Luật Doanh nghiệp. Hai cơ quan này hoạt động theo chế độ tập thể và thông qua các quyết định bằng hình thức biểu quyết lấy ý kiến từng thành viên. Tùy các nội dung mà tỷ lệ biếu quyết thông qua được Luật Doanh nghiệp hoặc Điều lệ có quy định các mức khác nhau.
Hai cơ quan này không có thẩm quyền ký các hợp đồng, văn bản của công ty cổ phần mà công việc này được thực hiện bởi người đại diện theo pháp luật của công ty.
Với các vấn đề thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị được thực hiện theo nghị quyết, và người đại diện hai cơ quan này (chủ tịch hội đồng quản trị) có thể ủy quyền cho người khác thực hiện, trong văn bản ủy quyền sử dụng dấu pháp nhân của công ty.
Người đứng đầu chi nhánh được ký các giấy tờ, hợp đồng của chi nhánh, trong phạm vi chức năng, thẩm quyền của chi nhánh đã được quy định cụ thể trong giấy chứng nhận hoạt động của chi nhánh.
Trên đây là các ý kiến tư vấn của luật sư, hi vọng làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Nếu bạn còn băn khoăn hoặc cần tư vấn thêm vui lòng kết nối tổng đài tư vấn pháp luật số 1900 6289 của chúng tôi để được các luật sư uy tín trợ giúp.
Trân trọng./.
Cập nhật bởi daolienluatsu ngày 20/08/2016 03:37:56 CH