Chào bạn!
Trường hợp này chúng tôi xin được tư vấn cho bạn như sau:
1. Giấy vay nợ của bác bạn với gia đình bạn là một hợp đồng dân sự theo Điều 388 BLDS 2005. Trong hợp đồng này, bạn chỉ cung cấp thông tin là HĐ được giao kết năm 2008, giá trị hợp đồng là 3 tỷ 8 + 11,5 cây vàng, và có chữ ký xác nhận của người vay là bác bạn.
Bạn không nói rõ hợp đồng vay nợ này có quy định thời điểm trả nợ hay không, nên tôi xin đưa ra hai TH như sau:
Thứ nhất, nếu giấy này có quy định rõ thời gian mà bác bạn phải trả số tài sản đã vay cho gia đình bạn, nhưng đã không trả.
- Thời hạn này đến nay đã quá 02 năm: Gia đình bạn có thể đã hết thời hiệu khởi kiện yêu cầu giải quyết vụ án dân sự theo quy định điều 427. Thời hiệu khởi kiện về HĐDS. Có nghĩa là bạn đã bỏ lỡ quyền khởi kiện lên TA để giải quyết tranh chấp hợp đồng này. TH này, nếu không muốn bỏ mất quyền, tài sản, gia đình bạn nên nói chuyện với bác của bạn và yêu cầu bác bạn xác nhận số tiền vay nợ một lần nữa cùng một khoảng thời gian thích hợp cụ thể với cả hai bên để bác bạn có thể trả số tiền đó. Như vậy, sau này cho dù hết thời hạn ấy bác bạn có tiếp tục không trả nợ thì gia đình bạn cũng có thể vẫn thực hiện được quyền khởi kiện vụ án dân sự lên Tòa án.
- Thời hạn này đến nay không nhiều hơn hai năm và gia đình bạn đã quyết định khởi kiện thì có thể viết đơn yêu cầu TA giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự.
Thứ hai, giấy nợ không nêu rõ thời gian trả nợ: TH này bạn có thể đòi nợ bất cứ lúc nào, sau khi đã thông báo trước một thời gian đến bác của bạn. Bạn có thể gửi văn bản yêu cầu và ghi rõ thời gian để tiện đưa ra bằng chứng trước Tòa, nếu hết thời hạn ghi trong văn bản này, bác bạn tiếp tục không trả tiền thì bạn có thể khởi kiện ngay từ thời điểm thời hạn đó hết.
2. Bản chất của việc này là dân sự, bạn chỉ có cơ hội khởi kiện vụ án hình sự bác bạn với tội danh như đã nêu nếu bạn có căn cứ chứng minh rằng bác bạn đã có dấu hiệu như quy định tại các Điểm a, b, Khoản 1, Điều 140. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, BLHS 1999, cụ thể:
Điều 140. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.