Chào bạn,
Vấn đề bạn hỏi, Luật sư Đào Thị Liên - Công ty Luật Tiền Phong xin được tư vấn cho bạn như sau:
1. Điều kiện đứng tên sở hữu nhà đất ở Việt Nam
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài không được đứng tên quyền sử dụng đất tại Việt Nam trừ trường hợp thuộc các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở và đáp ứng được các quy định của Nghị định 51/2009/NĐ-CP Hướng dẫn Nghị quyết 19/2008/QH12 về thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Như bạn trao đổi, cha mẹ bạn muốn tặng cho bạn quyền sử dụng đất trong khi bạn không có quốc tịch Việt Nam và đang định cư ở nước ngoài thì bạn không đủ điều kiện nhận tặng cho quyền sử dụng đất nêu trên.
2. Những lưu ý về mục đích sử dụng đất
Như bạn trao đổi, đất của bố mẹ bạn được nhà nước cấp giấy chứng nhận với mục đích sử dụng là đất trồng cây lâu năm, cha mẹ bạn xây dựng nhà ở sinh sống trên đất là sử dụng sai mục đích đất và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, cụ thể:
Chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5 héc ta.
Để thực hiện đúng quy định của pháp luật, bố mẹ bạn cần thực hiện thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất với các nội dung cụ thể như sau:
Hồ sơ cần chuẩn bị:
- Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất;
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Hồ sơ được nộp tại Phòng Tài nguyên Môi trường nơi có đất để cơ quan này thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất; hướng dẫn bố mẹ bạn thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; trình Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
Trên đây là các ý kiến tư vấn của luật sư, hi vọng làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Nếu bạn cần tư vấn thêm hoặc cần hỗ trợ thực hiện, vui lòng điện thoại về tổng đài tư vấn pháp luật của Luật Tiền Phong số 04-1088/4/3 hoặc 1900 2118 để được trợ giúp.
Thân chúc bạn và gia đình sức khỏe, thành công.
Trân trọng./.