Thủ tục khai nhận di sản thừa kế
Hưỡng dẫn thủ tục khai nhận di sản thừa kế và các văn bản khai nhận di sản thừa kế, thỏa thuận phân chia di sản thừa kế như sau:
I/ Các giấy tờ cần xuất trình:
- Chứng minh nhân dân, Hộ khẩu, Giấy khai sinh của những người khai nhận di sản thừa kế.
- Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế.
- Một bản Sơ yếu lý lịch của một trong những người khai nhận di sản thừa kế (đã có xác nhận của UBND phường, xã hoặc cơ quan có thẩm quyền).
- Giấy tờ về di sản thừa kế như: Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; sổ tiết kiệm, đăng ký xe, cổ phiếu, cổ phần hoặc các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản khác (nếu có).
- Di chúc hợp pháp (nếu có).
- Giấy uỷ quyền, giấy nhường di sản thừa kế, giấy từ chối di sản thừa kế (nếu có).
* Trường hợp có người tham gia giao dịch không trực tiếp đến ký hợp đồng thì phải có uỷ quyền hợp pháp cho người được uỷ quyền (Người được uỷ quyền phải có CMND, hộ khẩu).
II/ Trình tự công chứng:
- Người yêu cầu công chứng nộp đủ các giấy tờ nêu trên cho Công chứng viên. Nếu việc khai nhận di sản thừa kế có nội dung phức tạp hoặc liên quan tới khối tài sản lớn thì Công chứng viên thực hiện việc niêm yết thông báo thừa kế tại UBND phường trong thời hạn 30 ngày;
- Sau thời gian niêm yết, nếu không có khiếu nại, khiếu kiện nào (đã có xác nhận của UBND phường, xã) thì Công chứng viên lập Văn bản Khai nhận di sản thừa kế hoặc Văn bản thoả thuận phân chia di sản thừa kế;
- Những người khai nhận di sản thừa kế đọc Văn bản, khi đồng ý với nội dung thì ký vào văn bản trước mặt Công chứng viên;
- Công chứng viên ký công chứng Văn bản;
- Người yêu cầu công chứng nộp lệ phí và đóng dấu của Phòng Công chứng.
III/ Sau khi văn bản thỏa thuận phân chia di sản được xác nhận, tiến hành đăng ký quyền sử dụng đất tại Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã nơi có đất theo thủ tục sau:
Bước 1: Bên thừa kế nộp hồ sơ tại cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện (nếu là cá nhân), cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh (nếu là tổ chức). Nếu bên thừa kế không có di chúc hoặc bản án thì phải đến công chứng làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế hoặc chứng nhận văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Trường hợp có tranh chấp thì phải giải quyết xong tranh chấp.
Bước 2: Căn cứ vào hồ sơ, cơ quan quản lý nhà ở sẽ kiểm tra, xác định vị trí thửa đất và gửi cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính (nếu có);
Bước 3: Sau khi có thông báo của cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà ở sẽ gửi thông báo nộp thuế để chủ nhà đi nộp nghĩa vụ tài chính tại cơ quan thuế (nếu chủ nhà không thuộc diện phải nộp hoặc được miễn nộp nghĩa vụ tài chính thì không có bước này).
Bước 4: Sau khi đã nộp thuế, chủ nhà nộp biên lai thu thuế, lệ phí trước bạn cho cơ quan quản lý nhà ở để nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở. Thời gian làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho người mua tối đa là 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Thời gian này không tính vào thời gian chủ nhà đi nộp các nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước.
Tuan.ls
Công ty Luật Minh Gia - Luật sư tư vấn trực tuyến