Chào bạn,
Vấn đề bạn hỏi, Luật sư Đào Thị Liên – Công ty Luật Tiền Phong xin được trả lời như sau:
Dịch vụ chuyển phát thư trong nước và nước ngoài là dịch vụ kinh doanh có điều kiện theo quy định tại phụ lục III, ban hành kèm theo Nghị định 59/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện.
Kể từ thời điểm luật Bưu chính 2010 có hiệu lực (ngày 1/1/20110), kinh doanh dịch vụ chuyển phát được gọi chung là kinh doanh dịch vụ bưu chính.
Điều kiện kinh doanh dịch vụ bưu chính được quy định cụ thể tại Luật Bưu chính 2010 và nghị định 47/2011/ND-CP hưỡng dẫn thi hành Luật Bưu chính.
Theo đó, các nội dung chính liên quan được chúng tôi tư vấn như dưới đây:
1. Điều kiện về vốn pháp định
Điều 5, Nghị định 47/2011/NĐ – CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bưu chính 2010 quy định điều kiện về tài chính khi hoạt động cung ứng dịch vụ bưu chính như sau:
- Nếu thực hiện cung ứng dịch vụ bưu chính trong phạm vi nội tỉnh, liên tỉnh, thì doanh nghiệp của bạn phải có mức vốn tối thiểu là 02 tỷ đồng Việt Nam;
- Trường hợp cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế, doanh nghiệp của bạn phải có mức vốn tối thiểu là 05 tỷ đồng Việt Nam.
Mức vốn tối thiểu này phải được thể hiện trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động bưu chính hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoạt động bưu chính tại Việt Nam của doanh nghiệp.
2. Xin giấp phép kinh doanh dịch vụ bưu chính
Theo quy định tại Điều 21, Luật Bưu chính 2010 thì doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thư có địa chỉ nhận có khối lượng đơn chiếc đến 02 kilôgam (kg) phải có giấy phép kinh doanh dịch vụ bưu chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính cấp.
Dịch vụ thư được hiểu là dịch vụ thông tin trao đổi dưới dạng văn bản viết tay hoặc bản in, có địa chỉ nhận hoặc không có địa chỉ nhận, trừ ấn phẩm định kỳ, sách, báo, tạp chí. (Tham khảo điểm 6, Điều 3, Luật Bưu chính 2010).
Các điều kiện để được cấp giấy phép bưu cũng được quy định cụ thể tại Điều 21, bao gồm:
- Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động bưu chính hoặc giấy chứng nhận đầu tư trong lĩnh vực bưu chính;
- Có khả năng tài chính quy định tại điểm 1 nêu trên, có đủ nhân sự phù hợp với phương án kinh doanh theo nội dung đề nghị được cấp giấy phép;
- Có phương án kinh doanh khả thi phù hợp với quy định về giá cước, chất lượng dịch vụ bưu chính;
- Có biện pháp đảm bảo an ninh thông tin và an toàn đối với con người, bưu gửi, mạng bưu chính.
Bạn có thể tham khảo thêm về hồ sơ, thủ tục xin giấy phép kinh doanh dịch vụ bưu chính tại Điều 6, Điều 8, 9 Nghị định 47.
Giấy phép bưu chính được cấp với thời hạn không quá 10 năm, hết thời hạn này, doanh nghiệp phải tiến hành thủ tục xin cấp lại.
3. Các trường hợp phải thông báo hoạt động bưu chính
Điều 25, Luật Bưu chính 2010 quy định các hoạt động bưu chính sau đây phải được thông báo bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính:
- Cung ứng dịch vụ thư không có địa chỉ nhận có khối lượng đơn chiếc đến 02 kilôgam (kg);
- Cung ứng dịch vụ thư có khối lượng đơn chiếc trên 02 kilôgam (kg);
- Cung ứng dịch vụ gói, kiện;
- Làm đại lý cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính nước ngoài;
- Nhận nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực bưu chính từ nước ngoài vào Việt Nam;
- Làm đại diện cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính nước ngoài;
- Làm chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính được thành lập theo pháp luật Việt Nam;
- Làm văn phòng đại diện của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính nước ngoài.
Do đó, nếu bạn lựa chọn một trong các hoạt động bưu chính nên tại khoản 1 Điều 25, Luật Bưu chính thì phải tiến hành thủ tục thông báo hoạt động bưu chính.
Thủ tục xin văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính được quy định chi tiết tại Điều 7, 8, 9, Nghị định 47.
Như vậy, để kinh doanh dịch vụ chuyển phát, trước hết bạn phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát với mã ngành nêu trên. Trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp phải có giấy tờ chứng minh vốn pháp định theo quy định nêu tại điểm 1. Sau đó, phụ thuộc vào loại hình kinh doanh dịch vụ chuyển phát mà bạn lựa chọn, bạn phải tiến hành thủ tục để xin giấy phép kinh doanh dịch vụ bưu chính hoặc thông báo hoạt động bưu chính hoặc thực hiện đồng thời hai thủ tục này.
Trên đây là các ý kiến tư vấn của luật sư, hi vọng làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Nếu bạn còn băn khoăn hoặc cần tư vấn thêm, vui lòng điện thoại về tổng đài tư vấn pháp luật của Luật Tiền Phong số 04-1088/4/3 để được trợ giúp.
Thân chúc bạn sức khỏe, thành công.
Trân trọng./.