Chào bạn
Vấn đề bạn hỏi Luật sư Đào Thị Liên – Công ty Luật Tiền Phong xin được tư vấn cho bạn như sau:
1.Về việc bảo lãnh
Theo quy định tại Điều 361 Bộ luật Dân sự 2005 thì “Bảo lãnh là việc người thứ ba (say đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thoả thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.”
Điều 363 Bộ luật Dân sự quy định về phạm vi bảo lãnh nêu rõ:
“Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh.
Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.”
Trên thực tế, chủ tài sản và ngân hàng thường ký hợp đồng thế chấp tài sản theo phương thức, bên thứ ba (chủ tài sản) sẽ thế chấp giấy tờ tài sản của mình cho Ngân hàng để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ cho bên vay.
2. Nghĩa vụ của bên bảo lãnh, thế chấp:
Nghĩa vụ của chủ tài sản sẽ phụ thuộc vào hợp đồng thế chấp/hợp đồng bảo lãnh tài sản. Thực tế cho thấy, các hợp đồng này được phía ngân hàng soạn thảo hết sức chặt chẽ, gắn nghĩa vụ của chủ tài sản với nghĩa vụ của bên vay ở: nợ gốc đến hạn, nợ quá hạn, lãi phạt. Đồng thời, để tranh rủi ro, thường Ngân hàng sẽ buộc chủ tài sản cam kết thông báo tình hình biến động của tài sản ngay cho ngân hàng khi phát sinh, đồng thời, nếu tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất thì chủ tài sản phải cam kết mọi tài sản, công trình gắn liền với đất nếu có phát sinh thêm sau khi hai bên đã ký hợp đồng thì đều thuộc tài sản đảm bảo.
Để xác định mình có phải thanh toán lãi (trong hạn và quá hạn) thay cho công ty, bạn cần đối chiếu với hợp đồng thế chấp/bảo lãnh đã ký với ngân hàng nhé.
3. Giải pháp
Trong trường hợp hợp đồng giữa bạn và ngân hàng đã xác định rõ nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi (trong/quá hạn), nhưng hoàn cảnh của bạn cũng như của công ty gặp nhiều khó khăn, bạn có thể đàm phán với ngân hàng xin miễn/giảm lãi và phạt chậm thanh toán.
Thực tế, đã có nhiều ngân hàng cho phép khách hàng và chủ tài sản được miễn/giảm lãi trong hạn và quá hạn, đồng thời miễn phạt chậm thanh toán.
Chúc bạn đạt được thành công trong việc đàm phán với ngân hàng.
Trên đây là các ý kiến tư vấn của luật sư, hi vọng làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Nếu bạn còn băn khoăn hoặc cần tư vấn thêm, vui lòng điện thoại về tổng đài tư vấn pháp luật của Luật Tiền Phong số 04-1088/4/3 để được trợ giúp.
Thân chúc bạn và gia đình sức khỏe.
Trân trọng./.