Chào bạn,
Vấn đề bạn hỏi, luật sư Đào Thị Liên - Công ty Luật Tiền Phong xin được tư vấn cho bạn như sau:
1. Về vấn đề điều chỉnh giảm vốn điều lệ công ty cổ phần cho đúng thực tế góp vốn:
Nếu công ty này đã thành lập được trên 3 năm thì việc điều chỉnh giảm vốn điều lệ là không thể thực hiện được, hồ sơ sẽ bị các Sở Kế hoạch và Đầu tư từ chối vì chưa có hướng dẫn cụ thể từ Bộ để thực hiện.
Nếu trong 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty chưa góp đủ mức vốn điều lệ đã đăng ký (không phát hành hết cổ phần đăng ký chào bán) thì làm thủ tục xin giảm vốn điều lệ đúng với thực tế góp vốn (Khoản 9 điều 23 Nghị định 102/2010/NĐ-CP).
Trước khi mua lại cổ phần bạn nên tìm hiểu về thời gian hoạt động (căn cứ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) của doanh nghiệp để xác định có thể thực hiện được thủ tục giảm vốn điều lệ hay không rồi quyết định.
Nếu không tiến hành giảm vốn điều lệ được cho đúng với thực tế góp vốn mà bạn vẫn muốn tiếp nhận công ty này thì cần chú ý các rủi ro có thể xảy ra bao gồm: (1) khi cần vay vốn ngân hàng hoặc các tổ chức, cá nhân khác, chi phí lãi vay sẽ không được coi là chi phí hợp lý (vì trên giấy tờ,vốn điều lệ của bạn rất lớn, việc vay và hạch toán lãi vay trong trường hợp này khó được cơ quan thuế chấp nhận là hợp lý); (2) doanh nghiệp có thể bị thanh, kiểm tra và nếu phát hiện chưa góp đủ số vốn đã đăng ký thì có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 155/2013/NĐ-CP (phạt tiền đến 20 triệu đồng và biện pháp khắc phục là yêu cầu doanh nghiệp phải huy động cho đủ số vốn điều lệ đã đăng ký).
2. Hồ sơ và thủ tục giảm vốn điều lệ công ty cổ phần:
- Hồ sơ bao gồm:
+ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (bản sao chứng thực);
+ Biên bản họp/quyết định của ĐHĐCĐ công ty về việc giảm vốn;
+ Danh sách cổ đông góp vốn (trong đó nêu rõ mức góp vốn cụ thể, mức vốn góp còn thiếu);
+ Thông báo thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
+ Báo cáo tài chính kỳ gần nhất.
+ Cam kết của doanh nghiệp về việc đủ khả năng thanh toán các khoản nợ/nghĩa vụ đến hạn.
- Trình tự, thủ tục: doanh nghiệp nộp hồ sơ lên Bộ phận một cửa Phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư. Chi phí hành chính: 200.000 đồng
Thời gian thực hiện: 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
3. Thủ tục mua lại cổ phần:
Như bạn trao đổi, bạn mua lại toàn bộ doanh nghiệp này nên nhất thiết cần khảo sát thông tin/hồ sơ của doanh nghiệp này để nắm chắc tình hình tài chính của họ (đặc biệt là số liệu nợ), ngoài ra bạn có thể yêu cầu cổ đông của doanh nghiệp cũng như người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cam kết cung cấp chính xác các tài liệu/hồ sơ về tình hình tài chính của doanh nghiệp, nếu phát sinh các khoản nợ nằm ngoài những hồ sơ/chứng từ/tài liệu kế toán thì họ phải chịu trách nhiệm.
Khi tiến hành mua lại cổ phần, bạn cần chú ý phải có ít nhất 3 cổ đông mới duy trì được loại hình công ty cổ phần.
Về hồ sơ và thủ tục mua cổ phần, bận cần chuẩn bị bộ hồ sơ để tiến hành thủ tục thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, gồm các tài liệu cụ thể sau đây:
- Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần;
- Biên bản thanh lý/xác nhận thanh toán tiền chuyển nhượng cổ phần giữa hai bên;
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (bản chứng thực);
- Chứng minh nhân dân của cá nhân mua cổ phần; giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/ủy quyền quản lý vốn nếu tổ chức mua lại cổ phần;
- Danh sách cổ đông sau khi chuyển nhượng cổ phần;
- Biên bản/quyết định của ĐHĐCĐ về việc thay đổi cổ đông sáng lập;
- Thông báo lập sổ cổ đông/sổ cổ đông (trong trường hợp trước đó doanh nghiệp chưa nộp sổ cổ đông);
- Thông báo thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Hồ sơ trên được nộp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp có trụ sở chính (bộ phận một cửa).
Thời gian giải quyết: 05 ngày làm việc.
Chi phí hành chính: 200.000 đồng.
Trên đây là các ý kiến tư vấn của luật sư, hi vọng làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Nếu bạn còn băn khoăn hoặc cần tư vấn thêm, vui lòng điện thoại về tổng đài tư vấn pháp luật của Luật Tiền Phong số 04-1088/4/3 để được trợ giúp.
Thân chúc bạn sức khỏe và thành công.
Trân trọng./.