Chào bạn,
Vấn đề bạn hỏi, luật sư Đào Thị Liên - Công ty Luật Tiền Phong xin được tư vấn cho bạn như sau:
Thứ nhất, theo Nghị định số 219/2013/NĐ-CP hướng dẫn về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh ;và
Thông tư 09/2004/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước hướng dẫn việc vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp;
Thông tư 12/2014/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước quy định về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh (có hiệu lực từ 15/5/2014):
"Đối tượng được vay nợ nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh là:
a) Doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam:
- Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, hợp tác xã, công ty hợp danh;
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm Doanh nghiệp liên doanh, Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
- Doanh nghiệp khác ngoài các đối tượng nói trên thành lập và hoạt động theo qui định của pháp luật.
b) Tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam:
- Tổ chức tín dụng Việt Nam: Tổ chức tín dụng nhà nước, tổ chức tín dụng cổ phần, tổ chức tín dụng hợp tác;
- Tổ chức tín dụng liên doanh;
- Tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài.
c) Chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng."
Như vậy, đối tượng được vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh phải là doanh nghiệp, trừ Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Việc vay nợ nước ngoài theo hình thức phát hành trái phiếu quốc tế, theo Nghị định 53/2009/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn về phát hành trái phiếu quốc tế; Nghị định 90/2011/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thì doanh nghiệp được quyền phát hành trái phiếu quốc tế để vay vốn nước ngoài cũng phải là “tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh .
Thứ hai, theo quy định tại khoản 4, Điều 1, Luật Doanh nghiệp 2005, thì “Doanh nghiệp là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh.”
Điều 37 Luật Doanh nghiệp khẳng định: “Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo uỷ quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải phù hợp với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.”
Chi nhánh của Doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân. Tên của Chi nhánh cũng phụ thuộc và luôn kèm theo tên Doanh nghiệp. Vốn kinh doanh và hoạt động lỗ, lãi của Chi nhánh đều phụ thuộc vào doanh nghiệp chủ quản. Chi nhánh chỉ hoạt động trong phạm vi được ủy quyền của doanh nghiệp chủ quản.
Như vậy, chi nhánh của Công ty TNHH không thuộc đối tượng được vay nợ nước ngoài trung và dài hạn. Trong trường hợp muốn vay vốn nước ngoài trung, dài hạn, Công ty TNHH chủ quản của Chi nhánh đó sẽ đứng ra vay và cấp vốn cho chi nhánh có nhu cầu vốn.
Trên đây là các ý kiến tư vấn của luật sư, hi vọng làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Nếu bạn còn băn khoăn hoặc cần tư vấn thêm, vui lòng điện thoại về tổng đài tư vấn pháp luật của Luật Tiền Phong số 04-1088/4/3 để được trợ giúp.
Trân trọng./.