Chào bạn,
Vấn đề bạn hỏi, luật sư Đào Thị Liên Công ty Luật Tiền Phong xin được tư vấn cho bạn vào từng vấn đề như sau:
1. Trường hợp của em bạn không thuộc điều chỉnh của Nghị định số 143/2013/NĐ-CP quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo nhưng trách nhiệm bồi hoàn chi phí đào tạo của em bạn được điều chỉnh bởi Luật Viên chức và Nghị định 29/2012/NĐ-CP tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Thông tư liên tịch 15/2012/TT-BNV hướng dẫn tuyển dụng ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức.
2. Về việc hoàn thành nghĩa vụ phục vụ cơ quan chủ quản khi được hưởng chương trình học bổng 322:
Theo khoản 2 điều 36 Nghị định 29, thời gian cam kết phục vụ bằng 02 lần thời gian được đào tạo, như bạn trao đổi thì em bạn đi học trong 4 năm, thời gian phục vụ cho nhà nước phải thực hiện là 8 năm nên thời gian làm việc của em bạn như bạn trình bày chưa thể coi là hoàn thành thời hạn phục vụ theo cam kết.
3. Chấm dứt hợp đồng làm việc ký với cơ quan nơi làm việc hiện tại:
Việc chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức được thực hiện theo khoản 3 điều 28 Luật Viên chức: "3. Việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng làm việc, chấm dứt hợp đồng làm việc được thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động".
Đối chiếu với các quy định của pháp luật về lao động hiện nay (điều 36 Bộ Luật lao động) em bạn có thể lựa chọn và thực hiện các hình thức chấm dứt hợp đồng làm việc: 1) thỏa thuận với cơ quan để chấm dứt hợp đồng; 2) đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo điều 37 bộ Luật lao động như trích dẫn dưới đây:
"Điều 37. quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:
a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;
d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;
đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;
e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;
g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.
2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:
a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;
b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;
c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.
3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này".
Mặt khác, Luật viên chức cũng quy định trường hợp viên chức được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc ở điều 29 như trích dẫn dưới đây:
"5. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp sau:
a) Không được bố trí theo đúng vị trí việc làm, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng làm việc;
b) Không được trả lương đầy đủ hoặc không được trả lương đúng thời hạn theo hợp đồng làm việc;
c) Bị ngược đãi; bị cưỡng bức lao động;
d) Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng;
đ) Viên chức nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở chữa bệnh;
e) Viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị từ 03 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục.
6. Viên chức phải thông báo bằng văn bản về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 03 ngày đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và e khoản 5 Điều này; ít nhất 30 ngày đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 5 Điều này."
Ngoài ra, khi chấm dứt hợp đồng lao động để ra khỏi cơ quan nhà nước, em bạn phải bồi hoàn phí đào tạo theo quy định tại điểm c khoản 2 điều 17 Thông tư 15/2012/TT/BNV:
"c) Đối với các trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 36 Nghị định 29/2012/NĐ-CP chi phí đền bù được tính theo công thức sau:
S = (F / T1) x (T1 - T2)
Trong đó:
- S là chi phí đền bù;
- F là tổng chi phí của khóa học;
- T1 là thời gian yêu cầu phải phục vụ sau khi đã hoàn thành khóa học (hoặc các khóa học) được tính bằng số tháng làm tròn;
- T2 là thời gian đã phục vụ sau đào tạo được tính bằng số tháng làm tròn."
Trên đây là các ý kiến tư vấn của luật sư, hi vọng làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Nếu bạn còn băn khoăn hoặc cần tư vấn thêm, bạn có thể điện thoại về tổng đài tư vấn pháp luật của Luật Tiền Phong số 04-1088/4/3 để được trợ giúp.
Thân chúc bạn và gia đình sức khỏe, bình an.
Trân trọng./.