Xuyên suốt từ trước cho đến nay, hệ thống pháp luật dân sự của Việt Nam luôn và chỉ thể hiện rằng, di chúc là ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản (chuyển quyền sở hữu) của mình. Điều này là sự khác biệt với cụm từ “Chúc thư” được hiểu trong xã hội. Bởi trong chúc thư, người lập có thể đề cập đến nhiều nội dung khác, những lời dặn dò, căn dặn,… Hiện nay, văn bản pháp luật cao nhất về di chúc là Bộ luật Dân sự, để biết được một bản di chúc bị ảnh hưởng bởi các yếu tố này, cùng tìm hiểu nhé mọi người!
Đầu tiên, “Chủ thể lập di chúc”
Không chỉ đối với việc lập di chúc, hoạt động công chứng luôn đòi hỏi một sự xác thực chính xác, trung thực về tư cách chủ thể lập di chúc (yếu tố chủ thể bao gồm năng lực hành vi, khả năng nhận thức, các khiếm khuyết của những người bị khuyết tật hay nói cách khác là sự tỉnh táo, minh mẫn trong nhận thức và điều khiển hành vi). Bên cạnh đó là sự chính xác về không gian, thời gian lập di chúc. Điểm này là tối quan trọng vì di chúc sẽ chỉ có hiệu lực sau khi người lập di chúc chết. Mà khi người có tài sản đã chết thì chỉ còn có thể căn cứ vào ý nguyện đã được thể hiện trước khi chết, không còn người để đối chứng và giải quyết các vấn đề phát sinh. Sự không chính xác và không tôn trọng sự thật khách quan là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc di chúc bị tuyên vô hiệu trong thực tế.
Thứ hai: Tài sản
Khi lập di chúc, cần phải xác định rằng, tài sản phải xác định được, thuộc quyền sở hữu của người lập di chúc, tài sản không bị hạn chế quyền của chủ sở hữu hoặc đã có sự chấp thuận của người có quyền (điểm này phải rất cẩn trọng vì không phải mọi trường hợp tài sản đã tham gia giao dịch sẽ không có quyền lập di chúc). Đối với trường hợp tài sản được xác định là các quyền không phải của chủ sở hữu đối với tài sản, các quyền có được thông qua các thỏa thuận, giao dịch thì cần phải cẩn trọng xem xét xem các quyền năng đó có được phép định đoạt bằng di chúc hay không, hay nói cách khác, nếu những quyền này được phép định đoạt bởi ý chí của người có quyền mà không phụ thuộc vào các yếu tố, ý chí hay ràng buộc, thỏa thuận nào khác thì mới được phép lập.
Thứ ba, nội dung của di chúc
Phải đảm bảo tính pháp lý, không chỉ là sự tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan tới di chúc, thừa kế, mà còn là các quy định có liên quan khác của các luật chuyên nghành (đặc biệt là các luật chuyên ngành quy định về tài sản và cơ chế pháp lý cho các tài sản đó). Ngoài ra, cũng cần xem xét, tính tới khả năng và tính thực thi được trên thực tế cho các nội dung đã được ghi nhận, đề cập trong di chúc, bởi nếu không thì di chúc sẽ lại đi ngược lại ý nghĩa của nó (thực tế là đa số các trường hợp lập di chúc đều mong muốn để lại một ý chí nhằm bảo đảm sự ổn định của gia đình, tránh sự tranh chấp, thắc mắc, khiếu kiện giữa những người được thừa kế hoặc những người cùng hàng thừa kế). Theo quy định, chúng ta thấy rằng, nội dung của di chúc sẽ phải có chủ thể lập di chúc, thời gian, địa điểm lập di chúc, tài sản, nội dung định đoạt.
Bên cạnh đó, nội dung của di chúc phải được viết một cách rõ ràng. Sự rõ ràng này không chỉ là cách viết dễ hiểu, mà còn thể hiện ở việc sẽ chỉ có một cách hiểu và phải bảo đảm sự thống nhất trong toàn bộ nội dung của di chúc. Cần lưu ý: Việc sửa chữa trong di chúc là một điều tối kỵ, cần xem xét rất thấu đáo đâu là lỗi chính tả, sai lỗi chính tả do đánh máy.
Thứ tư, điểm chỉ di chúc và các yếu tố có tính hình thức
Trong hoạt động công chứng di chúc, khuyến khích việc điểm chỉ được thực hiện cùng với việc ký di chúc. Nếu di chúc có nhiều trang thì cần phải được đánh số thứ tự nhất quán, được ký từng trang. Trường hợp có các con số cần phải được ghi cả chữ và số (đặc biệt lưu ý đối với các con số thể hiện thông tin tình trạng tài sản như mét vuông, giá trị…).