Nay tôi có một việc oan ức xin được trình bày và rất mong nhận được sự quan tâm chia sẻ của mọi
người:
Tôi là Phạm Thanh Huy, sinh năm 1979, thường trú tại tổ 8A, phường Đức Xuân thị xã Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn, là con của Bà Nguyễn Thị Nguyệt cùng trú tại địa chỉ trên.
Mẹ tôi là Nguyễn Thị Nguyệt, Sinh năm 1939. Là Bị đơn trong vụ tranh chấp hợp đồng mượn tài sản với nguyên đơn là ông Phạm Văn Bình do Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Kan xử ngày 28/9/2010 theo Bản án số 19/2010/DSPT về tranh chấp hợp đồng mượn tài sản, trước đó, ngày 30/7/2010, Tòa án nhân dân Thị xã Bắc Kan đã xét xử sơ thẩm theo Bản án số05/2010/DS-ST. Ngày 18/10/2010 mẹ tôi đã gửi đơn khiếu nại đến Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Tháng 3 năm 2011 bản thân tôi đã có đơn khiếu nại gửi đến Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao khiếu nại bản án số 19/2010/DSPT của Toà án nhân dân tỉnh Bắc Kạn về tranh chấp hợp đồng mượn tài sản nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm.
Ngày 5/9/2011 mẹ tôi là bà Nguyễn Thị Nguyệt, bị đơn trong vụ án trên nhận được công văn số: 939/DS về việc trả lời đơn khiếu nại do ông Vũ Mạnh Hùng – Phó chánh Toà dân sự, Toà án nhân dân tối cao ký. Theo đó Toà dân sự cho rằng bản án số 19/2010/DSPT của Toà án nhân dân tỉnh Bắc Kạn tuyên là hợp tình hợp lý, phù hợp với thực tế. (không nói gì đến quyền lợi của tôi đang bị xâm phạm nghiêm trọng)
Tuy nhiên theo tôi, với tư cách là người có quyền lợi trực tiếp của vụ án nhưng đang bị tước quyền lợi của mình một cách vô lý, trái luật, tôi phản đối cách giải quyết né tránh trách nhiệm của Toà án các cấp, trong qua trình tố tụng toà án cũng có nhiều sai xót khó hiểu.
Nếu như bản thân tôi được toà án đưa vào trong vụ án theo đúng thủ tục tố tụng Dân sự thì chắc chắn tôi sẽ có tiếng nói riêng của mình và đưa ra được nhiều bằng chứng để chứng minh ông Phạm Văn Bình cố tình làm sai sự thật nhằm chiếm đoạt tài sản của gia đình tôi khi bố tôi đã mất như: Việc ông Bình lừa bố tôi ký vào giấy làm nhà có điều kiện trong thời gian bố tôi bị bệnh tâm thần phân liệt, mẹ con tôi không hề hay biết, hay trong suốt từ năm 1990 đến năm 2001 gia đình tôi cho 4 hộ gia đình thuê mặt bằng để làm nghề may và kinh doanh Vàng, Bạc trang sức... Nếu ông Bình là chủ đất liệu ông Bình có để cho gia đình tôi cho thuê nhà trên đất của ông Bình hay không??? và trong suốt gần 40 năm gia đình tôi sống ổn định, đóng các loại thuế đất đầy đủ có xác nhận của chính quyền địa phương. Trong quá trình xét xử tôi thấy rằng không công minh, khách quan, không đúng pháp luật, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng Dân sự, vì thế đã gây oan ức, thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi và gia đình chúng tôi, gây mất niềm tin vào pháp luật. Vì thế tôi làm đơn này khiếu nại đối với bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bắc Kan. Với những lý do khiếu nại như sau:
Thứ nhất : Xác định thiếu đương sự:
Bản án, phúc thẩm và sơ thẩm chỉ xác định ông Bình là nguyên đơn và mẹ tôi là bị đơn. Theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà UBND tỉnh Bắc Kạn cấp cho mảnh đất đang tranh chấp tại tổ 6, phường Đức Xuân, Thị xã Băc Kan thuộc thửa số 81, tờ bản đồ số 4 số 00127/QSDĐ/1990 ngày 8/11/2001 có diện tích 65,8m2 thì mảnh đất này được cấp cho hộ ông Phạm Văn Bột. Hộ ông Phạm Văn Bột gồm ông Bột (nay đã chết), mẹ tôi là Nguyễn Thị Nguyệt và tôi cùng vợ. Cả gia đình chúng tôi đã cùng sinh sống trên mảnh đất này từ rất lâu, gần 40 năm nay tôi đã tốn nhiều công sức để tu bổ, cải tạo, đóng thuế đất...
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 56 BLTTDS, thì Tòa án phải đưa vợ chồng tôi vào trong vụ án với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, song trên thực tế các cấp xét xử đã không đưa tôi vào vụ việc. Tại phiên tòa phúc thẩm, chúng tôi đã tiếp tục đề nghị này nhưng Hội đồng xét xử phúc thẩm lờ đi, không quan tâm và còn thái độ tỏ thái độ coi thường những phát biểu của chúng tôi. Điều này rất ảnh hưởng đến quyền lợi của bản thân tôi, khi không được bảo vệ quyền lợi của mình tại phiên tòa. Đây là sai lầm rất nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.
Thứ hai : Xác định sai người làm chứng
Theo quy định tại Điều 65 BLTTDS thì “Người làm chứng là người biết được các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ án”. Việc biết được phải được thể hiện bằng việc họ trực tiếp nhìn thấy, nghe thấy, sờ thấy hoặc trực tiếp xác nhận vào vụ việc chứ không phải biết được là nghe người ta nói, nghe người ta kể.
Theo bản án sơ thẩm thì TAND thị xã Bắc Kan đã xác định ông Tâm, ông Tơ và ông Hiên là người làm chứng. Tuy nhiên, ngay nhận định của Hội đồng xét xử Tòa án cấp sơ thẩm trong bản án sơ thẩm đã minh chứng rõ việc xác định người tham gia tố tụng như vậy là hoàn toàn trái quy định của pháp luật. Bản án sơ thẩm trang 3 đã thừa nhận ông Tơ không biết là ông Gioỏng bán mảnh đất cho ai, vậy mà tòa án cấp sơ thẩm lại xác định ông Tơ là người làm chứng biết được việc mua bán giữa ông Gioỏng và ông Bình. Tiếp đó, bản án sơ thẩm cũng khẳng định tại trang 3 rằng ông Tâm và ông Hiên là người biết được việc mua bán này dựa trên cơ sở 2 ông này là những người sống lâu năm. Đến phiên xét xử phúc thẩm, bản án phúc thẩm đã lờ đi, không xác định những người này là người làm chứng nữa song vẫn lấy những lời khai của những người này làm chứng cứ để khẳng định nguồn gốc mảnh đất là của ông Bình (trang 3 dòng 7 từ dưới lên, bản án phúc thẩm). Có nghĩa rằng tiêu chí sống lâu năm sẽ được thay cho tiêu chí là người biết được sự việc để xác định người làm chứng theo quy định của pháp luật. Tòa án các cấp đã không xác định được nguyên nhân nào mà những người này biết, căn cứ vào đâu mà họ có thể khẳng định được rằng mảnh đất đang tranh chấp là của ông Gioỏng bán cho ông Bình
Thứ ba : Đánh giá chứng cứ không khách quan, toàn diện và đầy đủ
Chứng cứ pháp lý mà bản án dân sự sơ thẩm dựa vào để khẳng định mảnh đất đang tranh chấp giữa mẹ tôi và nguyên đơn là tờ giấy viết tay “Giấy nhượng nhà và đất” của ông Trương Á Gioỏng bán cho ông Phạm Văn Bình và văn bản “Làm nhà có điều kiện” do ông Bình viết sẵn cùng với lời khai của những người làm chứng trên ; còn bản án phúc thẩm lại chỉ dựa vào tờ giấy « Làm nhà có điều kiện » và thừa nhận những tình tiết mà cấp sơ thẩm đã đi điều tra xác minh.Tuy nhiên, việc xác định nguồn gốc sử dụng đất cho ông Bình mà chỉ dựa vào các yếu tố này là vô cùng phiến diện, thiếu công bằng và không chính xác.
Những người mà tòa án xác định là người làm chứng thì lại là những người không trực tiếp biết được tình tiết, vậy làm sao những lời khai của các ông này có đủ căn cứ để chứng minh nguồn gốc đất. Đối với văn bản “Giấy nhượng nhà và đất” mà nguyên đơn viện dẫn, văn bản này chỉ xác định ông Gioỏng bán cho ông Bình một gian nhà có 6 cột và xiên đã bị hỏng một mái với chiều ngang là 3m40, chiều dài là 16m song lại không xác định rõ gian nhà này ở đâu, phía Đông, phía Tây, phía Nam, phía Bắc tiếp giáp nhà ai và như thế nào? Hay phải chẳng chỉ cần văn bản xác định ông Gioỏng bán cho ông Bình một ngôi nhà thì Tòa án cấp sơ thẩm đã có thể công nhận ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của ông Bình?
Tiếp đến, bản án sơ thẩm và phúc thẩm lại căn cứ vào giấy “Làm nhà có điều kiện” mà ông Bình lập sẵn và theo đánh giá của tòa án các cấp thì có thêm chữ ký của bố tôi là ông Bột để tiếp tục khẳng định nguồn gốc đất là của nguyên đơn. Việc nhận định như tại trang 5 bản án sơ thẩm, trang 4 bản án phúc thẩm là hoàn toàn không khách quan, thiên vị và thiếu chính xác. Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa các đương sự đã thể hiện rõ cửa hàng cắt tóc chỉ là một gian nhỏ ở phía ngoài tiếp giáp với mặt đường còn toàn bộ căn nhà ở bên trong là do bố mẹ tôi xây dựng lên. Bên cạnh đó bố tôi cũng đã xác định rất rõ trong văn bản này “Cửa hàng là cửa hàng chung không ai có quyền sử dụng hết cửa hàng”. Nếu toàn bộ đất và nhà là của ông Bình thì tại sao ông Bột lại ghi nội dung này vào trong văn bản này và xác định cửa hàng là của chung. Đây là tình tiết rất quan trọng tuy nhiên bản án sơ thẩm, phúc thẩm lại không đếm xỉa đến tình tiết này mà chỉ căn cứ vào mỗi nội dung tự khai của ông Bình là đất do ông Bình mua. Bên canh đó, bản án sơ thẩm, phúc thẩm lại tùy tiện xác định rằng với văn bản do ông Bình lập này, ông Bột ký vào văn bản với dòng chữ “Cửa hàng là cửa hàng chung không ai có quyền sử dụng hết cửa hàng” đồng nghĩa với việc ông Bột thừa nhận đất là của ông Bình. Chúng tôi đã đề nghị làm rõ vấn đề này tại phiên tòa phúc thẩm nhưng Hội đồng xét xử phúc thẩm lờ đi, không cho phép và cũng không quan tâm đến nội dung đó. Mặt khác, theo các bản khai của mẹ tôi và bản khai của phía nguyên đơn cũng như tại phiên tòa sơ thẩm đều xác nhận rằng, mảnh đất này trước đây giáp với suối. Trong quá trình sinh sống gần 40 năm, gia đình chúng tôi đã phải tốn rất nhiều công sức mới có thể san lấp, tu bổ để có đất bằng mặt đường như bây giờ, vậy mà bản án sơ thẩm lại xác định rằng không có tài sản gì trên đất (trang 5 của bản án). Việc xác minh của tòa án cấp sơ thẩm như vậy là hoàn toàn không chính xác và không đúng với thực tế.
Thứ tư : Xác minh không đủ căn cứ
Được thể hiện trên diện tích mảnh đất. Theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì mảnh đất này có diện tích là 65,8m2, Nhà nước thu hồi 46,2m2, như vậy còn lại là 19,6 m2 ; thực tế đo lại còn 17,9 m2 ; theo bản khai của ông Bình thì mảnh đất này có diện tích đất 54,4 m2. Như vậy, có rất nhiều con số khác nhau ở đây song Tòa án vẫn chấp thuận.
Mặt khác, để chứng minh cho nguồn gốc mảnh đất không phải là do bố mẹ tôi được thừa kế, bản án đã xác định rằng trong hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không có di chúc hoặc văn bản chia di sản thừa kế năm 2001 vì thế không thể xác định nguồn gốc đất là do thừa kế ông bà để lại được. Điều này rất vô căn cứ bởi lẽ ngay bản thân ngôi nhà ông Bình bây giờ đang ở cũng là của ông bà tôi để lại, cũng không có di chúc và văn bản chia di sản thừa kế, vậy nguồn gốc đất đó ở đâu ra ?
Thứ năm: Bản án sơ thẩm đã áp dụng sai pháp luật
Theo nhận định của bản án sơ thẩm và trong viện dẫn căn cứ của phần quyết định bản án phúc thẩm thì tranh chấp trong vụ kiện này là đòi nhà, đất cho mượn và văn bản được áp dụng là Nghị quyết số58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 24/8/1998 về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1/7/1991 theo Khoản 3 Điều 4 Mục II, song tôi cho rằng việc áp dụng điều luật như vậy là không đúng
Một là : toàn bộ mảnh đất và nhà là do bố được hưởng thừa kế từ ông bà để lại. Thật lạ là bản án sơ thẩm lại xác định rằng do chúng tôi không có văn bản thừa kế của ông bà để lại (di chúc) và do cũng không có văn bản chia di sản nên không có chuyện thừa kế tài sản của ông bà. Nhận định như vậy tại trang 6 bản án sơ thẩm là rất chủ quan và không có cơ sở pháp lý. Nếu cứ nhận định trong bản án sơ thẩm thì cứ phải có di chúc mới có thừa kế? Vậy thì ngôi nhà mà ông Bình đang ở hiện tại cũng là tài sản của ông bà nội tôi, vậy sẽ phải mang ra chia thừa kế? Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy hết sức phi lý là nếu không là tài sản của chúng tôi thì tại sao trong suốt 40 năm qua, ông Bình không có bất cứ một ý kiến nào về mảnh đất. Ngay cả khi bị Nhà nước thu hồi một phần từ năm 2004, đến bây giờ đã cách 6 năm, nhưng trong suốt thời gian đó khi bố tôi còn sống ông Bình không có bất cứ một lần nào đòi lại mảnh đất để xác định quyền sở hữu của mình. Chỉ đến khi bố tôi chết thì ông Bình mới tiến hành đòi. Tại sao lại như vậy?
Hai là: cả nguyên đơn và bị đơn là tôi đều đã xác định rằng toàn bộ căn nhà trên mảnh đất này là của bố mẹ tôi xây dựng nên, không phải là do ông Bình xây để cho chúng tôi ở. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 thì Nghị quyết 58 nói trên chỉ được áp dụng để giải quyết những tranh chấp các giao dịch về nhà ở chứ không phải Nghị quyết 58 được áp dụng để giải quyết các tranh chấp về quyền sử dụng đất.
Tôi khẳng định rằng đã có đủ cơ sở và chứng cứ để chứng minh rằng bản án sơ thẩm, phúc thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, đánh giá chứng cứ không đầy đủ, không khách quan và thiếu căn cứ, áp dụng sai quy định của pháp luật.
Với những vi phạm mang tính chất hệ thống nêu trên, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân, tôi rất mong nhận được sự quan tâm chia sẻ của mọi người để tôi tiếp tục vững bước trên con đường đi tìm công lý.
Xin trân trọng cảm ơn !