4 điều cần biết khi khởi kiện chia tài sản thừa kế

Chủ đề   RSS   
  • #520668 13/06/2019

    shinichi45

    Female
    Mầm

    Bến Tre, Việt Nam
    Tham gia:05/11/2015
    Tổng số bài viết (62)
    Số điểm: 805
    Cảm ơn: 52
    Được cảm ơn 90 lần


    4 điều cần biết khi khởi kiện chia tài sản thừa kế

    4 điều cần biết khi khởi kiện chia tài sản thừa kế

    >>> Thắc mắc về thừa kế thì bơi vào đây

    >>> Hướng dẫn cách viết di chúc để không bị vô hiệu

    >>> Tổng hợp các loại thời hiệu

    Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Tài sản mà họ để lại (di sản) có thể được chia theo pháp luật hoặc di chúc. Trường hợp có tranh chấp xảy ra những người có quyền về thừa kế cần tìm hiểu các vấn đề sau khi quyết định khởi kiện ra Tòa phân chia dia sản thừa kế:

    1. Ai có quyền khởi kiện?

    Căn cứ Điều 186 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì:

    Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”

    Theo đó, có thể hiểu người có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại có quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án bảo vệ mình.

    Trong tranh chấp chia thừa kế thì người có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm hại là người thừa kế nên họ là người có quyền khởi kiện.

    Căn cứ Điều 613 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 thì người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

    - Đối với trường hợp thừa kế theo di chúc: thì người được chia di sản theo nội dung di chúc nếu thỏa mãn điều kiện Điều 613 BLDS 2015 thì có thể trở thành người thừa kế.

    - Đối với trường hợp thừa kế theo pháp luật: người thừa kế được xác định theo hàng thừa kế:

    “Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

    1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

    a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

    b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

    c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

    3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

    2. Thủ tục khởi kiện chia thừa kế:

    a. Hồ sơ khởi kiện gồm:

    - Đơn khởi kiện;

    - Tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện:

     + Di chúc;

     + Giấy chứng tử, quyết định Tòa án tuyên bố người để lại di sản đã chết;

     + Bản kê khai di sản;

     + Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại di sản thừa kế: Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, chứng nhận kết hôn…

     + Giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu đối với di sản của người để lại di sản;

     + Tờ khai người từ chối nhận di sản;

     + …

    b. Thủ tục:

    - Sau khi hồ sơ đã được chuẩn bị, gửi hồ sơ khởi kiện đó đến Tòa án có thẩm quyền.

    - Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

    Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:

     a) Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;

     b) Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn;

     c) Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;

     d) Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

    Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí (nếu người khởi kiện thuộc trường hợp nộp tạm ứng án phí). 

    Chính vì vậy, nếu bạn thuộc đối tượng phải nộp tạm ứng án phí, sau khi nộp tạm ứng án phí thì nhớ mang biên lai đến nộp cho Tòa án để vụ án được nhanh chóng thụ lý.

    3. Cơ quan nào, ở đâu có thẩm quyền giải quyết?

    Căn cứ Khoản 5 Điều 26, Điều 35, Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì Tòa án cấp huyện tại những nơi sau có thẩm quyền giải quyết tranh chấp chia thừa kế, trừ trường hợp có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài:

     - Tòa án nơi bị đơn (là cá nhân) cư trú, làm việc hoặc nơi bị đơn (là tổ chức, cơ quan) có trụ sở;

     - Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn (là cá nhân); hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn (là cơ quan, tổ chức) do các đương sự tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu.

    4. Thời hiệu khởi kiện chia thừa kế còn hay không?

    Căn cứ vào Điều 623 BLDS 2015 thì thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế.

    Trên đây là những vấn đề mình nghĩ là quan trọng cần quan tâm, các bác nghĩ còn vấn đề nào nữa thì cùng chia sẻ cho mọi người nhé.

     
    25658 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn shinichi45 vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (13/06/2019)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #520907   16/06/2019

    Nghĩa vụ chịu án phí:

    Tại Điểm a, Khoản 7, Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 về Nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong một số loại việc cụ thể như sau:

    “7. Đối với vụ án liên quan đến chia tài sản chung, di sản thừa kế thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định như sau:

    a) Khi các bên đương sự không xác định được phần tài sản của mình hoặc mỗi người xác định phần tài sản của mình trong khối tài sản chung, phần di sản của mình trong khối di sản thừa kế là khác nhau và có một trong các bên yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung, di sản thừa kế đó thì mỗi bên đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia, được hưởng trong khối tài sản chung hoặc trong khối di sản thừa kế. Đối với phần Tòa án bác đơn yêu cầu thì người yêu cầu chia tài sản chung, di sản thừa kế không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Trường hợp Tòa án xác định tài sản chung, di sản thừa kế mà đương sự yêu cầu chia không phải là tài sản của họ thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch…”

     

    Mức án phí:

    Theo quy định tại Danh mục mức án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về Mức án phí dân sự như sau:

     Đối với tranh chấp hôn nhân và gia đình có giá ngạch:

    - Từ 6.000.000 đồng trở xuống: 300.000 ngàn

    - Từ 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng: 5% giá trị tài sản tranh chấp

    - Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng: 20.000. 000 đồng + 4% của phầngiá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng

    - Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng: 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800.000.000 đồng;

    - Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng: 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng;

    - Từ trên 4.000.000.000 đồng: 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng.

     

     
    Báo quản trị |  
    3 thành viên cảm ơn phuongdung003 vì bài viết hữu ích
    shinichi45 (16/06/2019) ThanhLongLS (18/06/2019) thanhha1116 (20/06/2019)