Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam luôn là nguồn thu hút vốn đầu tư FDI mạnh và là các doanh nghiệp có đóng góp thuế lớn cho Nhà nước, nhằm thu hút đầu tư hiện nay Việt Nam rất khuyến khích và tạo điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam kinh doanh.
Dù vậy, không phải bất cứ ngành, nghề nào thì nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể đầu tư kinh doanh vào thị trường Việt Nam vì nhiều lý do có thể tác động xấu đến Việt Nam. Vậy những ngành nghề đó là gì?
1. Như thế nào là hạn chế tiếp cận thị trường?
Hiện nay, nhằm bảo vệ thị trường Việt Nam, nhà nước cũng đã ban hành rất nhiều biện pháp hạn chế các pháp nhân nước ngoài chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Theo Điều 15 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định về ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài như sau:
Ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài và hạn chế về tiếp cận thị trường đối với ngành, nghề đó được quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế về đầu tư..
Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng theo các hình thức quy định tại khoản 3 Điều 9 Luật Đầu tư 2020 và được đăng tải, cập nhật theo quy định tại Điều 18 Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
Ngoài điều kiện tiếp cận thị trường đối với các ngành, nghề, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện (nếu có) sau đây:
- Sử dụng đất đai, lao động; các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản.
- Sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ công hoặc hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước.
- Sở hữu, kinh doanh nhà ở, bất động sản.
- Áp dụng các hình thức hỗ trợ, trợ cấp của Nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực hoặc phát triển vùng, địa bàn lãnh thổ.
- Tham gia chương trình, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
- Các điều kiện khác theo quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế về đầu tư có quy định không cho phép hoặc hạn chế tiếp cận thị trường đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo đó, khi nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thì họ phải đáp ứng được các điều kiện được quy định như trên. Đây là yếu tố bắt buộc vì liên quan đến nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng kinh tế - xã hội Việt Nam nếu không áp dụng biện pháp hạn chế.
2. Đối tượng nào sẽ bị hạn chế tiếp cận thị trường?
Đối tượng áp dụng mà biện pháp hạn chế tiếp cận thị trường Việt Nam chủ yếu là nhà đầu tư nước ngoài. Đây là một yếu tố quan trọng nhằm bảo vệ thị trường Việt Nam. Theo Điều 16 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định đối tượng áp dụng Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường bao gồm:
- Nhà đầu tư nước ngoài: Là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
- Tổ chức kinh tế theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư 2020 khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
Nhà đầu tư là công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài:
- Được quyền lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường và thủ tục đầu tư như quy định áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài.
- Trong trường hợp lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường và thủ tục đầu tư như quy định đối với nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư không được thực hiện các quyền và nghĩa vụ quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài.
3. Danh mục 25 ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường
Để hạn chế các rủi ro về thị trường thì pháp luật cũng đã quy định cụ thể danh mục 25 ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường Việt Nam theo Phụ lục I Nghị định 31/2021/NĐ-CP bao gồm:
(1) Kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền nhà nước trong lĩnh vực thương mại.
(2) Hoạt động báo chí và hoạt động thu thập tin tức dưới mọi hình thức.
(3) Đánh bắt hoặc khai thác hải sản.
(4) Dịch vụ điều tra và an ninh.
(5) Các dịch vụ hành chính tư pháp, bao gồm dịch vụ giám định tư pháp, dịch vụ thừa phát lại, dịch vụ đấu giá tài sản, dịch vụ công chứng, dịch vụ của quản tài viên.
(6) Dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
(7) Đầu tư xây dựng hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng.
(8) Dịch vụ thu gom rác thải trực tiếp từ các hộ gia đình.
(9) Dịch vụ thăm dò ý kiến công chúng (thăm dò dư luận).
(10) Dịch vụ nổ mìn.
(11) Sản xuất, kinh doanh vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
(12) Nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.
(13) Dịch vụ bưu chính công ích.
(14) Kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa.
(15) Kinh doanh tạm nhập tái xuất.
(16) Thực hiện quyền XNK, quyền phân phối đối với các hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không được thực hiện quyền XNK, quyền phân phối.
(17) Thu, mua, xử lý tài sản công tại các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang.
(18) Sản xuất vật liệu hoặc thiết bị quân sự; kinh doanh quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang, vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dụng quân sự và công an.
(19) Kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp và dịch vụ giám định về sở hữu trí tuệ.
(20) Dịch vụ thiết lập, vận hành, duy trì, bảo trì báo hiệu hàng hải, khu nước, vùng nước, luồng hàng hải công cộng và tuyến hàng hải;
Dịch vụ khảo sát khu nước, vùng nước, luồng hàng hải công cộng và tuyến hàng hải phục vụ công bố Thông báo hàng hải.
Dịch Vụ khảo sát, xây dựng và phát hành hải đồ vùng nước, cảng biển, luồng hàng hải và tuyến hàng hải.
Xây dựng và phát hành tài liệu, ấn phẩm an toàn hàng hải.
(21) Dịch vụ điều tiết bảo đảm an toàn hàng hải trong khu nước, vùng nước và luồng hàng hải công cộng; dịch vụ thông tin điện tử hàng hải.
(22) Dịch vụ kiểm định và cấp Giấy chứng nhận cho các phương tiện giao thông vận tải.
Dịch vụ kiểm định và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các phương tiện, thiết bị chuyên dùng, container, thiết bị đóng gói hàng nguy hiểm dùng trong giao thông vận tải.
Dịch vụ kiểm định và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác và vận chuyển dầu khí trên biển.
Dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động được lắp đặt trên các phương tiện giao thông vận tải và phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác và vận chuyển dầu khí trên biển.
Dịch vụ đăng kiểm tàu cá.
(23) Dịch vụ điều tra, đánh giá và khai thác rừng tự nhiên bao gồm: Khai thác gỗ và săn bắn, đánh bẫy động vật hoang dã quý hiếm, quản lý quỹ gen cây trồng, vật nuôi và vi sinh vật sử dụng trong nông nghiệp.
(24) Nghiên cứu hoặc sử dụng nguồn gen giống vật nuôi mới trước khi được Bộ NNPTNT thẩm định, đánh giá.
(25) Kinh doanh dịch vụ lữ hành, trừ dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Như vậy, trên đây là tổng hợp 25 ngành nghề chưa được Việt Nam cho phép tiếp cận thị trường đầu tư dành cho doanh nghiệp nước ngoài. Việc quy định này có thể thấy các ngành nghề này có một số yếu tố tác động tiêu cực đến Việt Nam như:
- Ảnh hưởng đến sự độc quyền của một số lĩnh vực thiết yếu.
- Ảnh hưởng đến an ninh - quốc phòng.
- Ảnh hưởng đến an ninh mạng.
- Ảnh hưởng đến đời sống người dân
- Ảnh hưởng đến văn hóa - phong tục - tập quán.
- Ảnh hưởng đến kinh tế thị trường và những vấn đề quan trọng khác.