Dự kiến Bộ luật lao động mới thay thế Bộ luật lao động 2012 sẽ được trình Quốc hội thông qua và có hiệu lực trong năm 2019.
Bộ luật lao động này ảnh hưởng rất lớn đến người lao động, do vậy, bất kỳ sự thay đổi nào cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động. Sau đây là 11 nhóm thay đổi lớn tại Bộ luật lao động mới nhất.
1. Quy định về thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động đối với DN có nhiều chủ sở hữu
Đây là nhóm chính sách nâng cao tính khả thi khi áp dụng các điều luật về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động – trách nhiệm vật chất, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, thời giờ làm việc – thời giờ nghỉ ngơi; giải quyết tranh chấp lao động, các tiêu chuẩn, điều kiện lao động khác.
Cụ thể:
- Về hợp đồng lao động:
+ Bổ sung quy định thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động: để giải quyết bất cập trên thực tế là không xác định được ai là người có thẩm quyền ký kết hợp đồng lao động đối với doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu;
+ Quy định rõ thời hạn của Phụ lục hợp đồng.
+ Cho phép ký hợp đồng lao động xác định thời hạn với lao động cao tuổi và lao động nước ngoài: đảm bảo phù hợp với thực tiễn.
+ Quy định rõ hơn về trách nhiệm của người sử dụng lao động phải nhận người lao động vào làm việc chính thức khi việc làm thử đạt yêu cầu
+ Quy định rõ đối với trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động đủ tuổi hưởng lương hưu: để giải quyết vướng mắc của DN trong việc sử dụng lao động cao tuổi trên thực tế.
- Kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất:
Sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động, nội quy lao động...: để đảm bảo việc xử lý kỷ luật lao động được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi và giải quyết các bất cập về người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động trên thực tiễn.
- Lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam: sửa đổi, bổ sung các quy định về công việc người nước ngoài được vào làm việc, điều kiện của người nước ngoài vào làm việc...nhằm giải quyết vướng mắc, bất cập trên thực tiễn trong việc giới hạn công việc, điều kiện mà người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, đảm bảo tính minh bạch, linh hoạt trong việc sử dụng người lao động nước ngoài, đồng thời bảo vệ việc làm của những người lao động trong nước.
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: quy định rõ hơn về nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ hằng năm, thời giờ làm việc tiêu chuẩn...nhằm đảm bảo tính logic, và tính khả thi trên thực tế, phù hợp với thực tiễn.
- Các tiêu chuẩn, điều kiện lao động khác: sửa đổi các quy định về lao động cưỡng bức; phân biệt đối xử; lao động chưa thành niên; lao động cao tuổi; lao động nữ; lao động đặc thù khác... để đảm bảo tính khả thi trên thực tiễn.
2. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới
Đây là nhóm chính sách bảo vệ quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lĩnh vực lao động, quan hệ lao động và thị trường lao động bằng việc thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 trong nội dung của Bộ luật Lao động sửa đổi
Cụ thể, sửa đổi các Chương:
- Chương Quy định chung, Chương Lao động nữ và Chương các lao động khác: để bảo đảm không ai bị phân biệt đối xử trong lựa chọn việc làm, bảo đảm các điều kiện làm việc và thăng tiến trong việc làm và nghề nghiệp.
- Chương quy định chung, Chương Hợp đồng lao động, Chương Lao động nữ, Chương Tiền lương và các Chương khác: để bảo đảm nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới
- Chương Quy định chung, Chương Kỷ luật Lao động, trách nhiệm vật chất và Chương Quản lý nhà nước về lao động: nhằm bảo đảm khiếu nại tố cáo về lao động.
- Chương Quy định chung và các Chương khác: nhằm bảo đảm "Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc"; "Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi"; "Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu".
- Chương Quy định chung và Chương Các lao động khác: nhằm thể chế hóa quy định của Hiến pháp "Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em".
3. Bãi bỏ các quy định liên quan đến việc làm, an toàn vệ sinh lao động…
Đây là nhóm chính sách nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật bằng việc xóa bỏ, sửa đổi các quy định pháp luật của Bộ luật lao động cho phù hợp với các Bộ luật khác có liên quan.
Cụ thể:
- Bỏ các điều 12, 13; sửa đổi Điều 14 của Bộ luật lao động năm 2012 cho phù hợp với Luật Việc làm năm 2013.
- Sửa các điều 60, 61, 62 của Bộ luật lao động năm 2012 cho phù hợp với Luật Giáo dục nghề nghiệp.
- Bỏ các điều 134, 136, 138, 140, 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147, 148, 149, 150, 152; sửa đổi điều 137, 109 của Bộ luật lao động năm 2012 cho phù hợp với Luật An toàn, vệ sinh lao động.
- Bỏ các điều 223, 224, 225, 226, 227, 228, 229, 230, 231, 232 và 234 Mục 4 Chương XIV; sửa đổi Điều 51 của Bộ luật lao động năm 2012 cho phù hợp với Bộ luật Tố tụng Dân sự.
- Sửa đổi các điều 16, 45 của Bộ luật lao động năm 2012 cho phù hợp với Luật Doanh nghiệp và Bộ luật Dân sự.
4. Muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động chỉ cần tuân thủ thời hạn báo trước mà không cần lý do
Bởi việc này nhằm đảm bảo quyền lợi được lựa chọn việc làm tốt hơn cho người lao động và phòng chống cưỡng bức lao động: bất cứ khi nào người lao động cảm thấy không hài lòng với việc làm hiện tại hoặc tìm kiếm được việc làm tốt hơn thì họ sẽ thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần có lý do. Người lao động chỉ cần báo trước một thời hạn nhất định để doanh nghiệp chủ động tìm kiếm lao động thay thế.
5. Được phép thỏa thuận thời gian làm thêm giờ nhiều hơn
Cụ thể, nâng giới hạn giờ làm thêm lên tối đa 12 giờ/ngày và 400 giờ/năm.
6. Ban hành Bộ tiêu chí xác định tiền lương tối thiểu
Bao gồm các tiêu chí sau đây:
- Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
- Mức tiền lương phổ biến trên thị trường lao động.
- Chi phí sinh hoạt.
- Khả năng chi trả của người sử dụng lao động
- Điều kiện kinh tế - xã hội; năng suất lao động, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm và thất nghiệp của ngưởi lao động.
7. Bỏ nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương
Tự thân mỗi đơn vị sử dụng lao động căn cứ vào điều kiện thực tế sản xuất kinh doanh tại từng doanh nghiệp sẽ chủ động tiến hành thỏa thuận, thương lượng tập thể để xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động để áp dụng và công bố công khai tại doanh nghiệp để người lao động biết, giám sát thực hiện mà không cần tuân thủ các nguyên tắc nhất định.
8. Tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình
Từ năm 2021, cứ mỗi năm tăng thêm 06 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
9. Sẽ thanh tra lao động không báo trước
Quy định này được sửa đổi cho phù hợp với Công ước 81 của ILO.
Cụ thể đó là khôi phục lại Điều 187 Bộ luật lao động năm 1994: “Thanh tra, điều tra những nơi thuộc đối tượng, phạm vi thanh tra được giao bất cứ lúc nào mà không cần báo trước”.
10. Mở rộng thẩm quyền của Hội đồng trọng tài lao động
Việc mở rộng này nhằm giúp trọng tài trở thành phương thức giải quyết tranh chấp lao động quan trọng như kinh nghiệm và thực tiễn của nhiều quốc gia có nền kinh tế thị trường.
11. Không bắt buộc hòa giải khi giải quyết tranh chấp lao động tập thể
Cụ thể là:
- Khi phát sinh tranh chấp lao động tập thể về quyền, các bên có quyền quyết định lựa chọn vụ việc của mình sẽ được giải quyết thông qua hòa giải hoặc trọng tài hoặc xét xử.
- Khi phát sinh tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, các bên tranh chấp có quyền quyết định lựa chọn việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải hoặc trọng tài. Tổ chức đại diện của người lao động có thể tiến hành thủ tục lấy ý kiến và thông báo trước đề đình công.
Việc sửa đổi theo hướng này không làm giảm nhẹ vai trò của hòa giải trong việc giải quyết tranh chấp lao động vì các bên vẫn có quyền yêu cầu hòa giải nếu họ muốn; đồng thời, góp phần khắc phục hạn chế về quy trình giải quyết tranh chấp lao động theo “một con đường độc đạo” của luật hiện hành mà các bên không thể thực hiện được trong suốt hơn 20 năm qua.
Mời các bạn xem chi tiết Hồ sơ đề nghị xây dựng Bộ luật lao động sửa đổi tại file đính kèm.