Vừa qua, ngày 01/11/2022, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 08/2022/TT-BTP Ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại.
Trong đó, bao gồm Lời nói đầu, 05 chương và 18 Điều, cụ thể quy định các chuẩn mực đạo đức nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, uy tín, trách nhiệm nghề nghiệp, góp phần củng cố vị trí, vai trò của nghề Thừa phát lại trong xã hội.
Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu; lập vi bằng; xác minh điều kiện thi hành án dân sự; tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật, qua đó bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Theo đó, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 08/2022/TT-BTP bao gồm các Chương như sau:
Chương I: Những quy tắc chung.
Chương II: Quan hệ của Thừa phát lại với người yêu cầu.
Chương III: Quan hệ của Thừa phát lại với đồng nghiệp, văn phòng Thừa phát lại, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
Chương IV: Quan hệ của Thừa phát lại với cơ quan thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân và cơ quan, tổ chức, các nhân khác.
Chương V: Kiểm tra, giám sát, khen thưởng, xử lý vi phạm.
Theo đó, Thông tư đã quy định những việc Thừa phát lại không được làm trong quan hệ với người yêu cầu như sau:
(1) Sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người yêu cầu.
(2) Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ người yêu cầu ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng.
(3) Nhận tiền hoặc bất kỳ lợi ích nào khác từ người thứ ba để thực hiện hoặc không thực hiện yêu cầu.
(4) Nhận thực hiện yêu cầu trong trường hợp mục đích và nội dung của yêu cầu vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, không đúng nhiệm vụ, quyền hạn của Thừa phát lại.
(5) Lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án có liên quan đến quyền, lợi ích của chính mình với người yêu cầu, những người thân thích của mình, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại; cháu ruột mà Thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.
(6) Tư vấn, xúi giục, thông đồng, tạo điều kiện cho người yêu cầu thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
(7) Gây áp lực, ép buộc, lừa dối, đe dọa, chiết khấu hoặc đưa ra hứa hẹn nhằm lôi kéo người yêu cầu phải sử dụng dịch vụ.
(8) Câu kết, thông đồng với người yêu cầu, những người có liên quan làm sai lệch nội dung của vi bằng, hồ sơ công việc đã thực hiện hoặc hành vi gian dối khác.
(9) Cố ý thi hành trái nội dung bản án, quyết định; trì hoãn hoặc kéo dài thời gian giải quyết việc thi hành án được giao không có căn cứ pháp luật.
(10) Các công việc bị cấm khác theo quy định của pháp luật.
Pháp luật quy định những trường hợp mà một Thừa phát lại không được làm đối với người yêu cầu. Những việc làm này không những làm ảnh hưởng đến người yêu cầu mà còn ảnh hưởng đến uy tín, nghề nghiệp của Thừa phát lại. Vì thế, những trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, căn cứ tại Điều 18 của Thông tư 08/2022/TT-BTP có nêu rõ, Thừa phát lại gương mẫu trong thực hiện Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại thì được Nhà nước và xã hội ghi nhận, vinh danh.
Ngược lại, Thừa phát lại không đúng quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị nhắc nhở, phê bình, khiển trách, xử lý kỷ luật theo nội quy, quy chế của Văn phòng Thừa phát lại, điều lệ của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Thừa phát lại (nếu có); bị xử phạt hành chính; trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì bị miễn nhiệm hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Xem thêm Thông tư 08/2022/TT-BTP có hiệu lực thi hành từ ngày 22/12/2022.