10 Nội dung tối thiểu cần có trong hợp đồng đại lý thanh toán từ tháng 07/2024

Chủ đề   RSS   
  • #613526 01/07/2024

    10 Nội dung tối thiểu cần có trong hợp đồng đại lý thanh toán từ tháng 07/2024

    Hạn mức giao dịch của đại lý thanh toán đối với khách hàng cá nhân là bao nhiêu. Hợp đồng đại lý thanh toán cần có những nội dung nào? Đại lý thanh toán có được giao quyền đại lý cho bên khác không?

    1.Quy định về hạn mức giao dịch của đại lý thanh toán:

    Căn cứ Điều 5 Thông tư 07/2024/TT-NHNN quy định hạn mức giao dịch như sau:

    1. Bên giao đại lý phải có các biện pháp quản lý số dư, hạn mức giao dịch của bên đại lý là tổ chức khác, gồm:

    - Hạn mức giao dịch (bao gồm giao dịch nộp và rút tiền mặt) đối với khách hàng cá nhân, tối đa là 20 triệu đồng/khách hàng/ngày;

    - Bên đại lý chỉ được thực hiện giao dịch cho khách hàng trong phạm vi số dư tài khoản thanh toán để thực hiện các nghiệp vụ được giao đại lý của bên đại lý mở tại bên giao đại lý theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Thông tư này và mỗi một điểm đại lý thanh toán được giao dịch không quá 200 triệu đồng/ngày và tối đa 05 tỷ đồng/tháng.

    2. Hạn mức giao dịch của bên đại lý là ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô theo thỏa thuận giữa bên giao đại lý và bên đại lý.

    Theo đó hạn mức giao dịch của đại lý thanh toán đối với khách hàng cá nhân là 20 triệu đồng/khách hàng/ngày

    2.Các nội dung của hợp đồng đại lý thanh toán:

    Căn cứ khoản 1 Điều 8 Thông tư 07/2024/TT-NHNN quy định Hợp đồng đại lý thanh toán phải có tối thiểu các nội dung sau:

    - Tên, địa chỉ của bên giao đại lý, người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của bên giao đại lý;

    - Tên, địa chỉ của bên đại lý, người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của bên đại lý;

    - Phạm vi giao đại lý, trong đó bao gồm các nội dung hoạt động được giao đại lý và hạn mức áp dụng đối với khách hàng, hạn mức áp dụng đối với bên đại lý;

    - Thời hạn giao đại lý;

    - Thời gian giao dịch hàng ngày và giờ làm việc;

    - Phí giao đại lý thanh toán;

    - Số lượng điểm đại lý hoặc danh sách điểm đại lý;

    - Quyền, nghĩa vụ của bên giao đại lý, bên đại lý;

    - Phương thức giải quyết tranh chấp;

    - Chấm dứt hợp đồng đại lý thanh toán.

    Theo đó hợp đồng đại lý thanh toán cần có tối thiểu 10 nội dung như trên.

    3. Đại lý thanh toán có được giao quyền đại lý cho bên khác không?

    Căn cứ Điều 7 Thông tư 07/2024/TT-NHNN quy định nguyên tắc thực hiện hoạt động đại lý thanh toán như sau:

    1. Hoạt động giao đại lý thanh toán phải được lập thành hợp đồng bằng văn bản giữa bên giao đại lý và bên đại lý theo quy định tại Thông tư này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

    2. Bên giao đại lý được giao cho bên đại lý thực hiện các nghiệp vụ quy định tại Điều 4 Thông tư này và phù hợp với nội dung ghi trong Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép thành lập hoặc Quyết định quy định về tổ chức và hoạt động của cấp có thẩm quyền quyết định và văn bản sửa đổi, bổ sung Giấy phép, Quyết định (nếu có) của bên giao đại lý, bên đại lý là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

    3. Bên đại lý không được phép giao đại lý lại cho bên thứ ba.

    4. Khi thực hiện nghiệp vụ quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư này, bên đại lý là tổ chức khác phải mở và duy trì tài khoản thanh toán tại bên giao đại lý để thực hiện các nghiệp vụ được giao đại lý trong phạm vi số dư do bên giao đại lý và bên đại lý thỏa thuận; tài khoản thanh toán này phải được tách biệt với các tài khoản thanh toán phục vụ cho các hoạt động, mục đích khác của bên đại lý mở tại bên giao đại lý.

    5. Bên giao đại lý thu phí của khách hàng thông qua bên đại lý theo mức phí do bên giao đại lý quy định trong từng thời kỳ. Bên giao đại lý và bên đại lý không được thu thêm các loại phí ngoài biểu phí do bên giao đại lý quy định và công bố. Biểu phí dịch vụ của bên giao đại lý phải nêu rõ các loại phí, mức phí áp dụng cho từng loại dịch vụ, phù hợp với quy định của pháp luật và được niêm yết công khai tại các điểm đại lý thanh toán và trên trang thông tin điện tử của bên đại lý (nếu có).

    6. Bên giao đại lý và bên đại lý phải có cam kết bảo mật thông tin khách hàng phù hợp với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, các văn bản hướng dẫn thi hành và các quy định của pháp luật có liên quan.

    7. Bên giao đại lý được phép ký kết hợp đồng đại lý thanh toán với tổ chức khác trên phạm vi toàn quốc. Số lượng điểm đại lý thanh toán của các tổ chức khác phải đảm bảo số lượng điểm đại lý thanh toán trên các địa bàn cấp huyện (không bao gồm quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương) tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chiếm trên 70% số lượng điểm đại lý thanh toán của bên giao đại lý.

    8. Số lượng đại lý thanh toán là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do bên giao đại lý tự quyết định phù hợp với năng lực quản lý của bên giao đại lý; số lượng điểm đại lý thanh toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng quyết định trên cơ sở mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

    Theo đó bên đại lý không được phép giao đại lý lại cho bên thứ ba.

     
    146 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận