Từ 11 – 20/03/2015, nhiều chính sách mới trong các lĩnh vực giao thông vận tải, chứng khoán, xuất nhập khẩu bắt đầu có hiệu lực. Trong đó có 9 quy định mới nổi bật như sau:
1/ Đã có Thông tư mới hướng dẫn về Đất đai
Từ 13/3/2015, việc sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển; sử dụng đất khi chuyển đổi, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp… sẽ thực hiện theo Thông tư 02/2015/TT-BTNMT. Theo đó:
Thời hạn cho thuê đất bãi bồi ven sông, ven biển; đất có mặt nước ven biển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định theo nhu cầu sử dụng đất của người thuê và thời hạn cho thuê không quá 50 năm.
Tuy nhiên, thời hạn trên có thể kéo dài thêm 20 năm trong trường hợp:
- Người thuê đất sử dụng đất cho dự án đầu tư ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn;
- Hoặc thuê đất để thực hiện dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm.
Ngoài ra, việc chuyển từ đất ở sang đất phi nông nghiệp không phải là đất ở không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng phải đăng ký biến động đất đai.
Thông tư 02 thay thế các Thông tư 01/2005/TT-BTNMT, 06/2007/TT-BTNMT, 09/2013/TT-BTNMT.
2/ Quy định mới về vận tải đường sắt
Kể từ 15/03/2015, Thông tư 83/2014/TT-BGTVT quy định về vận tải hàng hóa trên đường sắt quốc gia bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, có một số nội dung đáng chú ý sau:
- Khi điều chỉnh giá cước vận tải, Doanh nghiệp phải công bố và niêm yết công khai.
- Khoảng cách tính cước vận tải do tổ chức có thẩm quyền công bố (trước đây là Doanh nghiệp).
- Người thuê vận tải và doanh nghiệp được quyền thanh toán bằng tiền đồng Việt Nam, bằng các hình thức theo thỏa thuận ghi rõ trong hợp đồng vận tải (trước đây bằng đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ).
- Trường hợp không có cơ sở để giải quyết bồi thường hàng hóa thiếu hụt, mất mát thì mức bồi thường không quá 50.000 đồng/kg hàng hóa bị tổn thất (trước đây là 20.000 đồng) và không giới hạn mức tối đa bồi thường toàn bộ hàng hóa.
Thông tư này bãi bỏ Quyết định 05/2006/QĐ-BGTVT.
3/ Điều kiện tham gia giao thông bằng xe chở người 4 bánh có gắn động cơ
Cuối năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 86/2014/TT-BGTVT quy định về điều kiện đối với xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và người điều khiển tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế.
Theo đó, để tham gia giao thông bằng xe chở người 4 bánh có gắn động cơ, phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Về người điều khiển xe: phải có Giấy phép lái xe từ hạng B2 trở lên.
- Xe phải có Giấy đăng ký và biển số Xe do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, Giấy chứng nhận lưu hành còn hiệu lực, Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn hiệu lực.
- Tuyến đường hoạt động và thời gian hoạt động đối với xe chở người 4 bánh có gắn động cơ do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định
- Phải chấp hành quy tắc giao thông đường bộ, mức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo quy định của Chính phủ và áp dụng theo loại phương tiện tương tự xe ô tô chở người từ 15 chỗ trở xuống.
Thông tư này có hiệu lực từ 15/03/2015.
4/ Các trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận thành viên lưu ký
Theo Thông tư 05/2015/TT-BTC, từ ngày 15/03/2015 các trường hợp sau sẽ bị Trung Tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam thu hồi Giấy chứng nhận thành viên lưu ký:
- Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán theo Khoản 2 Điều 51 Luật Chứng khoán.
- Bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán.
- Không duy trì được các điều kiện đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán theo Điều 48 Luật Chứng khoán.
- Vi phạm nghiêm trọng các quy định về thành viên lưu ký của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.
Thông tư 05 thay thế Quyết định 87/2007/QĐ-BTC và Thông tư 43/2010/TT-BTC.
5/ 4 loại giấy tờ cần thiết khi xuất, nhập cảnh ô tô
Từ ngày 15/03/2015, khi xuất, nhập cảnh ô tô, người khai hải quan phải:
- Xuất trình bản chính Giấy phép liên vận của cơ quan có thẩm quyền cấp
- Xuất trình bản chính Giấy đăng ký phương tiện đối với ô tô Việt Nam tạm xuất/nhập
- Nộp 01 bản chính Danh sách hành khách đối với ô tô vận chuyển hành khách
- Xuất trình bản chính Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm xuất - tái nhập/ tạm nhập - tái xuất
(hoặc Nộp 01 bản chính Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập - tái xuất/ tạm xuất – tái nhập có xác nhận tạm nhập/tạm xuất của Chi cục Hải quan cửa khẩu làm thủ tục tạm nhập/tạm xuất.
Đối với ô tô xuất cảnh theo Hiệp định tạo thuận lợi vận tải người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước tiểu vùng Mê Kông mở rộng (Hiệp định GMS) thì thực hiện theo quy định tại Hiệp định và các văn bản hướng dẫn.
Nội dung trên được đề cập tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP.
6/ Hướng dẫn thủ tục thực hiện kỹ thuật mang thai hộ
Từ 15/03/2015, cặp vợ chồng vô sinh muốn thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo sẽ phải gửi hồ sơ đề nghị gồm 12 loại giấy tờ sau đến cơ sở khám chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật này theo Nghị định 10/2015/NĐ-CP
- Đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Nghị định.
- Bản cam kết tự nguyện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Nghị định.
- Bản cam đoan của người đồng ý mang thai hộ là chưa mang thai hộ lần nào.
- Bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của vợ chồng nhờ mang thai hộ xác nhận.
- Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về việc người vợ có bệnh lý, nếu mang thai sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ, thai nhi và người mẹ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
- Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đối với người mang thai hộ về khả năng mang thai, đáp ứng quy định đối với người nhận phôi theo quy định tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định này và đã từng sinh con.
- Bản xác nhận của UBND cấp xã hoặc người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ tự mình chứng minh về mối quan hệ thân thích cùng hàng trên cơ sở các giấy tờ hộ tịch có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các giấy tờ này.
- Bản xác nhận của chồng người mang thai hộ (trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng) về việc đồng ý cho mang thai hộ.
- Bản xác nhận nội dung tư vấn về y tế của bác sỹ sản khoa.
- Bản xác nhận nội dung tư vấn về tâm lý của người có trình độ đại học chuyên khoa tâm lý trở lên.
- Bản xác nhận nội dung tư vấn về pháp luật của luật sư hoặc luật gia hoặc người trợ giúp pháp lý.
- Bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo quy định tại Mẫu số 06 ban hành kèm theo Nghị định này.
Trong thời hạn 30 ngày từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ sở được cho phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ phải có kế hoạch điều trị để thực hiện kỹ thuật mang thai hộ.
Trường hợp không thể thực hiện được kỹ thuật này thì phải trả lời bằng văn bản, đồng thời nêu rõ lý do.
Cơ sở khám chữa bệnh có đủ điều kiện được thực hiện ngay kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo gồm:
- Bệnh viện phụ sản Trung ương.
- Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế.
- Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP.HCM.
Cơ sở khám chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ phải tổ chức tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý cho vợ chồng nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ.
7/ Không sử dụng tiền mặt để góp vốn vào doanh nghiệp
Các doanh nghiệp không sử dụng tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) để thanh toán khi thực hiện các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác.
Thay vào đó, khi thanh toán các giao dịch nêu trên, doanh nghiệp phải lựa chọn một trong các phương thức sau:
- Thanh toán bằng Séc.
- Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền.
- Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.
Nội dung trên được đề cập tại Thông tư 09/2015/TT-BTC có hiệu lực từ 17/03/2015.
8/ Hướng dẫn hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở
Nhằm hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt tại miền Trung, Bộ Tài Chính ban hành Thông tư 18/2015/TT-BTC. Theo đó có các mức hỗ trợ như sau:
- 16 triệu đồng/hộ đang cư trú tại các thôn đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ.
- 14 triệu đồng/hộ đang cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định 1049/QĐ-TTg năm 2014.
- 12 triệu đồng/hộ đang cư trú tại vùng còn lại.
Ngân sách trung ương hỗ trợ 100% theo mức trên đối với các địa phương Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận và 50% đối với Đà Nẵng, Khánh Hòa.
Thông tư này có hiệu lực từ 18/03/2015, trong đó chính sách hỗ trợ được thực hiện theo Quyết định 48/2014/QĐ-TTg từ 15/10/2014.
9/ Hướng dẫn mới về bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động
Theo Thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH, người sử dụng lao động (NSDLĐ) sẽ phải bồi thường, trợ cấp cho người lao động (NLĐ) bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong những trường hợp đặc thù sau:
- NLĐ bị tai nạn khi thực hiện nhiệm vụ hoặc tuân theo sự điều hành hợp pháp của NSDLĐ ở ngoài phạm vi cơ quan, doanh nghiệp... do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì NSDLĐ vẫn phải bồi thường;
- NLĐ bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở tại địa điểm và thời gian hợp lý, do lỗi người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì NSDLĐ vẫn phải trợ cấp;
- Nếu NSDLĐ không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì ngoài việc bồi thường, trợ cấp NSDLĐ sẽ phải trả chế độ BHXH thay cơ quan BHXH.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/03/2015 và bãi bỏ Thông tư 10/2003/TT-BLĐTBXH.