08 điều cần biết về chỉ dẫn địa lý

Chủ đề   RSS   
  • #503729 01/10/2018

    lanbkd
    Top 150
    Female
    Lớp 6

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:23/08/2017
    Tổng số bài viết (518)
    Số điểm: 8260
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 490 lần


    08 điều cần biết về chỉ dẫn địa lý

           1. Khái niệm

    “Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.”

    Từ khái niệm trên chúng ta đưa ra một số đặc điểm cơ bản của chỉ dẫn địa lý theo sau:

    + Bản chất cấu thành: Được cấu thành từ các dấu hiệu. Điều này được hiểu là chỉ dẫn địa lý có thể dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc…

    + Chức năng: Giúp chỉ nguồn gốc địa lý của sản.

    Ví dụ một số chỉ dẫn địa lý nổi tiếng tại Việt Nam như: Nước mắm Phú Quốc, Nho Ninh Thuận, Thanh long Bình Thuận, vải thiều Thanh Hà, nón lá Huế,....

     

          2. Căn cứ xác lập quyền

    Quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.

     

          3. Điều kiện bảo hộ

    Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

    (1) Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý;

    (2) Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định. Hay nói cách khác, đặc điểm của sản phẩm ở đây được quyết định bởi điều kiện địa lý là các đặc điểm về: khí hậu, thổ nhưỡng, thủy văn, hệ sinh thái, địa chất,....chứ không phải có được nhờ yếu tố về con người nhứ: kỹ năng, kỹ xảo, quy trình sản xuất,....

    Trong đó:

          + Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó.

    + Chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, hoá học, vi sinh và các chỉ tiêu đó phải có khả năng kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc chuyên gia với phương pháp kiểm tra phù hợp.

     

    4. Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý

    Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý:

    - Tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hoá ở Việt Nam;

    -  Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài mà tại nước đó chỉ dẫn địa lý không được bảo hộ, đã bị chấm dứt bảo hộ hoặc không còn được sử dụng;

    -  Chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì sẽ gây nhầm lẫn về nguồn gốc của sản phẩm;

    -  Chỉ dẫn địa lý gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.

     

          5. Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý

    - Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý trong nước: thuộc về Nhà nước.

    Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý. Người thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó.

    Điều này được hiểu là Nhà nước sẽ là chủ sở hữu và Nhà nước có cho phép các cá nhân, tổ chức sản xuất sản phẩm thay mặt đi đăng ký chỉ dẫn địa lý. Nhà nước không trực tiếp khai thác, sử dụng mà các tổ chức, cá nhân địa phương sẽ được giao quyền khai thác và sử dụng.

    - Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của nước ngoài: Cá nhân, tổ chức nước ngoài là chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý theo quy định pháp luật của nước xuất xứ có quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý đó tại Việt Nam.

     

           6. Hồ sơ đăng ký

    a) Cách thức nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp

    - Tổ chức, cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam.

    - Cá nhân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài không có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam.

    b) Văn bằng bảo hộ: Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

    Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý ghi nhận tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, các tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tính chất đặc thù về điều kiện địa lý và khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý.

    c) Đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý

    - Thứ nhất, về thành phần hồ sơ, bao gồm:

    **Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định (02 bản);

    **Tài liệu, mẫu vật, thông tin xác định chỉ dẫn địa lý cần bảo hộ trong đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý bao gồm (02 bản):

    + Tên gọi, dấu hiệu là chỉ dẫn địa lý;

    + Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý;

    + Bản mô tả tính chất, chất lượng đặc thù, danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và các yếu tố đặc trưng của điều kiện tự nhiên tạo nên tính chất, chất lượng đặc thù, danh tiếng của sản phẩm đó (sau đây gọi là bản mô tả tính chất đặc thù);

    Bản mô tả tính chất đặc thù phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

    +) Mô tả loại sản phẩm tương ứng, bao gồm cả nguyên liệu thô và các đặc tính lý học, hoá học, vi sinh và cảm quan của sản phẩm;

    +) Cách xác định khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý;

    +) Chứng cứ về loại sản phẩm có xuất xứ từ khu vực địa lý theo nghĩa tương ứng quy định tại Điều 79(về điều kiện chung đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ).

    +) Mô tả phương pháp sản xuất, chế biến mang tính địa phương và có tính ổn định;

    +) Thông tin về mối quan hệ giữa tính chất, chất lượng đặc thù hoặc danh tiếng của sản phẩm với điều kiện địa lý theo quy định tại Điều 79 (về điều kiện chung đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ).

    +) Thông tin về cơ chế tự kiểm tra các tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm.

    ** Bản đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý (02 bản);

    ** Tài liệu chứng minh chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại nước có chỉ dẫn địa lý đó, nếu là chỉ dẫn địa lý của nước ngoài.

    ** Giấy uỷ quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diện;

    ** Chứng từ nộp phí, lệ phí.

    Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp và giấy tờ giao dịch giữa người nộp đơn và cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp phải được làm bằng tiếng Việt, trừ các tài liệu sau đây có thể được làm bằng ngôn ngữ khác nhưng phải được dịch ra tiếng Việt khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp yêu cầu: Giấy uỷ quyền; Tài liệu chứng minh quyền đăng ký; Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên; Các tài liệu khác để bổ trợ cho đơn.

    - Thứ hai, về số lượng hồ sơ: 01 (bộ).

     

           7. Quy trình thẩm định đơn đăng ký

    Để thực hiện đăng kí bảo hộ chỉ dẫn địa lý, quy định được thực hiện qua 6 bước:

    Bước 1: Tiếp nhận đơn.

    Đơn đăng ký có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
    Bước 2: Thẩm định hình thức đơn.

    Quá trình này là kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn, từ đó đưa ra kết luận đơn có được coi là hợp lệ hay không.

    Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được thẩm định hình thức trong thời hạn một tháng kể từ ngày nộp đơn.

    - Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bị coi là không hợp lệ trong các trường hợp sau đây:

    a) Đơn không đáp ứng các yêu cầu về hình thức;

    b) Đối tượng nêu trong đơn là đối tượng không được bảo hộ;

    c) Người nộp đơn không có quyền đăng ký, kể cả trường hợp quyền đăng ký cùng thuộc nhiều tổ chức, cá nhân nhưng một hoặc một số người trong số đó không đồng ý thực hiện việc nộp đơn;

    d) Đơn được nộp trái với quy định về cách thức nộp đơn quy định tại Điều 89 của Luật này;

    đ) Người nộp đơn không nộp phí và lệ phí.

    Bước 3: Ra thông báo chấp nhận/từ chối chấp nhận đơn:

    - Trường hợp đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo chấp nhận đơn;

    - Trường hợp đơn không hợp lệ, Cục sẽ ra thông báo từ chối chấp nhận đơn.

    Bước 4: Công bố đơn.

    Đơn được coi là hợp lệ sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp. Đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được công bố trong thời hạn hai tháng kể từ ngày đơn được chấp nhận là đơn hợp lệ.

     Bước 5: Thẩm định nội dung đơn.

    Đây là bước đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ.

    - Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được thẩm định nội dung trong thời hạn sau đây: Không quá sáu tháng kể từ ngày công bố đơn.

    - Những đơn đăng ký sở hữu công nghiệp sau đây được thẩm định nội dung để đánh giá khả năng cấp văn bằng bảo hộ cho đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ và xác định phạm vi bảo hộ tương ứng:

    a) Đơn đăng ký sáng chế đã được công nhận là hợp lệ và có yêu cầu thẩm định nội dung nộp theo quy định;

    b) Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, đơn đăng ký nhãn hiệu, đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý đã được công nhận là hợp lệ.

    Thẩm định lại

    + Trong trường hợp có phản đối về dự định cấp văn bằng bảo hộ, đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tương ứng được thẩm định lại về những vấn đề bị phản đối.

    + Thời hạn thẩm định lại đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bằng hai phần ba thời hạn thẩm định lần đầu, đối với những vụ việc phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không vượt quá thời hạn thẩm định lần đầu.

    Bước 6: Ra quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ:

    - Từ chối cấp văn bằng bảo hộ: Nếu đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ:

    + Đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ trong các trường hợp sau đây: Có cơ sở để khẳng định rằng đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo hộ;

    + Thông báo dự định từ chối cấp văn bằng bảo hộ, trong đó phải nêu rõ lý do và ấn định thời hạn để người nộp đơn có ý kiến phản đối dự định từ chối;

    + Thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ nếu người nộp đơn không có ý kiến phản đối hoặc ý kiến phản đối không xác đáng dự định từ chối quy định tại điểm a khoản này;

    - Quyết định cấp văn bằng bảo hộ: Nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, và người nộp đơn nộp lệ phí đầy đủ thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp, và công bố trên Công báo Sở hữu trí tuệ.

     

            8. Thời hạn bảo hộ

    Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý có hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp. Tuy nhiên, trong trường hợp các điều kiện địa lý tạo nên danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý bị thay đổi làm mất danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm đó thì văn bằng bảo hộ bị chấm dứt hiệu lực.

     

    Căn cứ pháp lý:

    - Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung 2009.

    - Nghị định 22/2018/NĐ-CP.

     

     

    Cập nhật bởi lanbkd ngày 01/10/2018 04:26:56 SA
     
    2143 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận