Người sở hữu nhà đất có quyền ủy quyền cho người khác thay mình ký hợp đồng với người mua. Tuy nhiên, để tránh một số rủi ro đáng tiếc trước khi ký hợp đồng ủy quyền thì các bên cần biết một số quy định như sau:
Hợp đồng ủy quyền - Ảnh minh họa
(1) Hợp đồng ủy quyền bán nhà đất
Trên thực tế có nhiều trường hợp chủ sở hữu muốn chuyển nhượng quyền sở hữu nhà đất nhưng lại đang ở nước ngoài, công tác xa, ốm đau... thì việc ủy quyền thường xảy ra.
Tại Điều 562 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:
Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
(2) Bán đất bằng hợp đồng ủy quyền có hợp pháp không?
Người được ủy quyền thực hiện các công việc liên quan đến nhà đất theo yêu cầu của bên ủy quyền. Việc người đại diện ủy quyền đó có thể bán đất cho người khác không sẽ phụ thuộc vào phạm vi giới hạn bạn ủy quyền cho người đó vì người đại diện theo ủy quyền chỉ được thực hiện công việc trong phạm vi người ủy quyền ủy quyền lại cho họ mà không được thực hiện vượt quá thẩm quyền theo quy định tại điều 141 Bộ luật dân sự 2015, cụ thể như sau:
"1. Người đại diện chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện theo căn cứ sau đây:
a) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
b) Điều lệ của pháp nhân;
c) Nội dung ủy quyền;
d) Quy định khác của pháp luật.
…”
Như vậy, nếu bên ủy quyền trong nội dung ủy quyền có giao cho bên nhận ủy quyền được phép thực hiện quyền bán nhà đất thì bên nhận ủy quyền thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng nhà đất là hoàn toàn hợp lý. Ngược lại, nếu người được ủy quyền đó thực hiện giao dịch vượt quá phạm vi được ủy quyền thì giao dịch giữa người đó với người thứ ba sẽ vô hiệu
(3) Hợp đồng ủy quyền bán nhà đất có phải công chứng không?
Bộ luật Dân sự 2015, Luật Đất đai 2013 và Luật Công chứng 2014 không có điều khoản nào bắt buộc việc ủy quyền phải lập thành văn bản có công chứng. Tuy nhiên, để tránh xảy ra tranh chấp khi ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà ở thì các bên nên công chứng hợp đồng ủy quyền.
Người dân được phép công chứng tại bất kỳ tổ chức công chứng nào, kể cả tổ chức công chứng có trụ sở tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi không có nhà đất (Căn cứ Điều 42 Luật Công chứng 2014)
(4) Ai là người nộp thuế?
Nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân khi ủy quyền chuyển nhượng nhà đất là người ủy quyền. Nếu các bên thỏa thuận người nhận chuyển nhượng là người nộp thuế thì thực hiện theo thỏa thuận.
Căn cứ Tiết b.2 điểm b khoản 3 Điều 1 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định:
"Trường hợp ủy quyền quản lý bất động sản mà cá nhân được ủy quyền có quyền chuyển nhượng bất động sản hoặc có các quyền như đối với cá nhân sở hữu bất động sản theo quy định của pháp luật thì người nộp thuế là cá nhân ủy quyền bất động sản"
(5) Thời hạn hợp đồng ủy quyền
Căn cứ Điều 563 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thời hạn ủy quyền như sau:
“Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền”
Như vậy, xuất phát từ nguyên tắc tự do thỏa thuận thì thời hạn hợp đồng ủy quyền chuyển nhượng nhà đất do các bên thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.
(6) Đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền
Căn cứ Điều 569 Bộ luật Dân sự 2015 Các bên ủy quyền có quyền chấm dứt hợp đồng và bồi thường thiệt hại (nếu có):
Bên ủy quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng
- Ủy quyền có thù lao: Bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại.
- Ủy uyền không có thù lao: Bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý.
Lưu ý: Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt.
Bên được ủy quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng
- Ủy quyền không có thù lao: Bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên ủy quyền biết một thời gian hợp lý.
- Ủy quyền có thù lao: Bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào và phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền, nếu có.
Mẫu hợp đồng ủy quyền bạn có thể tham khảo tại đây.