Từ tháng 02/2016, các Nghị định liên quan đến hoạt động đầu tư, bảo hiểm và xây dựng…bắt đầu có hiệu lực. Cụ thể như sau:
1. Hướng dẫn thủ tục cấp số định danh cá nhân
Từ ngày 15/02/2016, Nghị định 137/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật căn cước công dân 2014 có hiệu lực.
Theo đó, Nghị định này hướng dẫn thủ tục cấp sổ định danh cá nhân đối với trường hợp đăng ký khai sinh và trường hợp đã đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú.
Số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.
Đối với trường hợp công dân đã đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú thì thủ tục cấp số định danh cá nhân được thực hiện như sau:
- Khi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân, cơ quan quản lý căn cước phải thu thập, chuyển thông tin công dân cho cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó phải có các thông tin sau:
+ Họ, chữ đệm và tên khai sinh.
+ Ngày, tháng, năm sinh.
+ Giới tính.
+ Nơi đăng ký khai sinh.
+ Quê quán.
+ Dân tộc.
+ Quốc tịch.
+ Họ, chữ đệm và tên, quốc tịch của cha, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp; trừ trường hợp chưa xác định được cha, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp.
+ Nơi thường trú.
+ Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ, quan hệ với chủ hộ.
Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an kiểm tra thông tin của công dân, cấp và chuyển ngay số định danh cá nhân cho cơ quan cấp thẻ Căn cước công dân.
Liên quan đến Nghị định 137/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luât căn cước công dân 2014, còn có Thông tư 66/2015/TT-BCA hướng dẫn biểu mẫu áp dụng trong việc cấp thẻ Căn cước công dân.
Thông tư này quy định hơn 13 biểu mẫu, trong đó quan trọng có biểu mẫu Tờ khai căn cước công dân, Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân và Giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân…
Xem chi tiết các biểu mẫu tại Thông tư 66/2015/TT-BCA.
>>> Sự khác nhau giữa Thẻ căn cước công dân và CMND?
>>> 10 câu hỏi thường gặp về thẻ Căn cước công dân
2. Hướng dẫn mức lương hưu hàng tháng đối với BHXH tự nguyện
Mức lương hưu hàng tháng = % tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng x mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
Trong đó, mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH = bình quân các mức thu nhập tháng đã đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng.
Thu nhập tháng đã đóng BHXH tự nguyện sau điều chỉnh của từng năm = Tổng thu nhập tháng đóng BHXH của từng năm x Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm tương ứng.
Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm tương ứng được thực hiện như bảng sau
Năm
|
2008
|
2009
|
2010
|
2011
|
2012
|
2013
|
2014
|
2015
|
2016
|
Mức điều chỉnh
|
1,69
|
1,58
|
1,45
|
1,22
|
1,12
|
1,05
|
1,01
|
1,00
|
1,00
|
Nội dung này được đề cập tại Nghị định 134/2015/NĐ-CP và Thông tư 58/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về bảo hiểm xã hội tự nguyện có hiệu lực từ 15/02/2016.
3. 3 đối tượng phải mua bảo hiểm xây dựng
Từ ngày 10/02/2016, 3 đối tượng sau đây phải mua bảo hiểm trong hoạt động xây dựng:
Một là, trừ các công trình quốc phòng, an ninh, bí mật nhà nước, chủ đầu tư hoặc nhà thầu trong trường hợp phí bảo hiểm công trình đã được tính và giá hợp đồng phải mua bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng đối với các công trình:
+ Công trình, hạng mục công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng quy định tại Phụ lục II Nghị định 46/2015/NĐ-CP.
+ Công trình đầu tư xây dựng có ảnh hưởng lớn đến môi trường thuộc danh mục dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường theo Phụ lục II và Phụ lục III Nghị định 18/2015/NĐ-CP.
+ Công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp theo quy định pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan.
Hai là, nhà thầu tư vấn phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng đối với công việc khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng của công trình xây dựng từ cấp II trở lên.
Ba là, nhà thầu thi công xây dựng phải mua bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường.
Đó là quy định tại Nghị định 119/2015/NĐ-CP.
4. Điều kiện tuyển chọn vào Công an nhân dân
Để được tuyển chọn vào ngành Công an nhân dân, công dân phải đáp ứng 5 tiêu chí tuyển chọn sau:
- Có lý lịch rõ ràng.
- Nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không có tiền án, tiền sự, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, quản chế, không trong thời gian bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục bắt buộc; có phẩm chất, đạo đức tư cách tốt, được quần chúng nhân dân nơi cư trú hoặc nơi học tập, công tác tín nhiệm.
- Bảo đảm tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.
- Tốt nghiệp trung học phổ thông.
Các xã miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tuyển công dân tốt nghiệp trung học cơ sở. Ưu tiên tuyển chọn công dân đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học trở lên, có chuyên môn cần thiết cho công tác, chiến đấu của Công an nhân dân.
- Thể hình cân đối, không dị hình, dị dạng và đáp ứng các tiêu chuẩn sức khỏe để thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.
Nội dung này đựơc đề cập tại Nghị định 129/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/02/2016.
5. Quy định đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của cá nhân
Theo Nghị định 135/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài có hiệu lực từ ngày 15/02/2016 thì nhà đầu tư là cá nhân có quốc tịch Việt Nam chỉ được thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài dưới hình thức tham gia chương trình thưởng cổ phiếu phát hành ở nước ngoài.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm quy định cụ thể về:
- Quy trình, thủ tục, nội dung thực hiện chương trình thưởng cổ phiếu của tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.
- Phương thức thực hiện, các nội dung khác liên quan đến việc tham gia chương trình thưởng cổ phiếu của cá nhân người lao động Việt Nam làm việc trong các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.
Có một điều không bao giờ thay đổi, đó là " Mọi thứ đều thay đổi"