Hiểu được tầm quan trọng của những chức danh cán bộ công chức, cán bộ là nhân tố quan trọng trong mỗi cơ quan. Vì thế, cần biết rõ quy trình bổ nhiệm cán bộ công chức, bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc một số thông in liên quan đến vấn đề này.
Cán bộ là gì?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 và Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức sửa đổi năm 2019 quy định khái niệm Cán bộ như sau:
Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Bổ nhiệm cán bộ là gì?
Bổ nhiệm được giải thích tại khoản 5 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức 2008 có quy định như sau:
Bổ nhiệm là việc cán bộ, công chức được quyết định giữ một chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc một ngạch theo quy định của pháp luật.
05 bước bổ nhiệm cán bộ công chức
Quy trình bổ nhiệm cán bộ 5 bước hiện nay thực chất là quy trình bổ nhiệm cán bộ đối với nguồn nhân sự tại chỗ. Quy trình này có 5 bước, thành phần hội nghị ở mỗi bước được quy định tại Phụ lục 2 của Quy định 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Từng hội nghị chỉ được tiến hành khi có ít nhất 2/3 số người được triệu tập có mặt, cụ thể các bước như sau:
Bước 1: Xin chủ trương bổ nhiệm cán bộ
Trên cơ sở chủ trương, yêu cầu nhiệm vụ và nguồn cán bộ quy hoạch, người đứng đầu chủ trị cùng tập thể lãnh đạo thảo luận, rà soát, thống nhất về cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình nhân sự; đồng thời, tiến hành ra soát kết quả đánh giá, nhận xét đối với từng cán bộ trong quy hoạch (gồm cả cán bộ được quy hoạch chức danh tương đương trở lên), thông qua danh sách nhân sự đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định để lấy ý kiến giới thiệu ở bước tiếp theo.
Bước 2: Xác định tiêu chí cụ thể
Căn cứ số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện và danh sách nhân sự đã thông báo ở bước 1, người đứng đầu trao đổi định hướng nhân sự bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử phù hợp với yêu cầu của địa phương, đơn vị để hội nghị thảo luận và tiến hành giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín (Kết quả kiểm phiếu không công bố tại hội nghị này)
Bước 3: Tiến hành thảo luận về nhân sự
Trên cơ sở kết quả giới thiệu nhân sự ở bước 2, hội nghị tiến hành thảo luận và giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín.
Bước 4: Tổ chức lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt về nhân sự
Tổ chức lấy ý kiến giới thiệu nhân sự theo danh sách đã được giới thiệu ở bước 3 (kết quả kiểm phiếu không công bố tại hội nghị nay)
Thông báo danh sách nhân sự được giới thiệu ở bước 3; tóm tắt lý lịch, quá trình học tập, công tác; đánh giá, nhận xét ưu, khuyết điểm, triển vọng phát triển và dự kiến lĩnh vực phân công công tác.
Ghi phiếu giới thiệu nhân sự (có thể ký hoặc không ký tên)
Bước 5: Tập thể lãnh đạo thảo luận và biểu quyết nhân sự
Trên cơ sở ý kiến đánh giá, nhận xét (bàng văn bản) của ban thường vụ đảng ủy (đảng ủy cơ quan đối với những nơi không có ban thường vụ); kết quả lấy phiếu ở các hội nghị; kết quả xác minh, kết luận những vấn đề mới nảy sinh (nếu có) đối với nhân sự, tập thể lãnh đạo thảo luận và biểu quyết giới thiệu nhân sự (bằng phiếu kín) để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Nguyên tắc lựa chọn:
- Người đạt số phiếu cao nhất trên 50% số phiếu so với tổng số người được triệu tập thì được lựa chọn giới thiệu, bổ nhiệm. Trường hợp 2 người có số phiếu ngang nhau đạt tỉ lệ 50% thì người đứng đầu xem xét, lựa chọn nhân sự để trình, đồng thời báo cáo đầy đủ các ý kiến khác nhau để cấp có thẩm quyền xem xét , quyết định.
- Cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chịu trách nhiệm về đánh giá, nhận xét, đề xuất, lựa chọn, giới thiệu nhân sự bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử.