Điều 45 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 cho phép việc áp dụng tập quán để giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định. 04 ví dụ sau đây sẽ cụ thể hóa việc áp dụng tập quán vào xét xử dân sự tại Việt Nam.
1. Vụ án “Cây chà 19 tiếng”
Nhắc đến việc áp dụng tập quán vào xét xử án dân sự không thể không nhắc đến vụ án “Cây chà 19 tiếng”. Vụ án này chính là vụ án điển hình cho việc áp dụng tập quán địa phương trong thực tiễn xét xử tại nước ta.
Có thể hiểu tóm tắt nội dung vụ án như sau:
Nguyên đơn: Bà Chiêm Thị Mỹ L.
Bị đơn: Ông La Văn T.
Đây là vụ án tranh chấp quyền đánh bắt hải sản giữa chủ tàu và người làm công do TAND huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thụ lý giải quyết. “Cây chà” là một tổ cá nhân tạo làm bằng cây để thu hút cá và các hải sản khác đến trú ngụ, tạo thuận lợi cho ngư dân đánh bắt cá. Còn “19 tiếng” là chỉ thời gian từ bờ đến cây chà. Nguyên đơn khởi kiện bị đơn yêu cầu trả lại cây chà, có nghĩa là trả lại quyền khai thác điểm đánh bắt hải sản xa bờ.
Tòa án cấp sơ thẩm bác yêu cầu của nguyên đơn. Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ lời khai bị đơn thừa nhận cây chà vốn là của nguyên đơn nên xử chấp nhận yêu cầu, buộc bị đơn trả lại cây chà cho nguyên đơn.
Sau khi xét xử phúc thẩm, cơ quan thi hành án địa phương có công văn phản ánh khó khăn trong thi hành bản án, đặc biệt là đơn khiếu nại của 30 ngư dân huyện Long Đất cho biết theo tập quán địa phương, người chủ cây chà nếu bỏ không khai thác trong 3 tháng thì đương nhiên người khác có quyền khai thác.
Vì vậy, Tòa án Tối cao đã xác định trong Quyết định giám đốc thẩm rằng bị đơn khai thác hải sản tại địa điểm có cây chà là phù hợp với tập quán, không trái pháp luật; sau đó tuyên hủy bản án phúc thẩm, trả hồ sơ để xét xử lại theo hương bác yêu cầu của nguyên đơn.(1)
>>>Xem chi tiết Bản án sơ thẩm vụ án này TẠI ĐÂY
2. Vận dụng “tập quán đạo đức xã hội” vào xét xử
Nguyên đơn: cụ Trần Thị Xăng, cụ Nguyễn Văn Hiển
Bị đơn: Chị Phan Thị Cẩm Vân
Do nguyên đơn già yếu, không còn sức lao động nên gọi bị đơn về sống chung nhà; bị đơn hứa với nguyên đơn sẽ chăm sóc phụng dưỡng nguyên đơn đến khi qua đời. Vì vậy, nguyên đơn làm hợp đồng tặng cho bị đơn toàn bộ diện tích đất cùng với nhà cửa gắn liền trên đất vào năm 2007; sau đó bị đơn đã hoàn thành các thủ tục chuyển đổi quyền sở hữu đối với mảnh đất trên.
Trong hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất không có quy định về điều kiện của bên tặng cho đối với bên được tặng cho. Tuy nhiên, sau khi nguyên đơn cho đất và nhà xong thì bị đơn ngược đãi, thậm chí đánh đuổi ra khỏi nhà, không nuôi dưỡng như lời hứa ban đầu. Do đó, nguyên đơn khởi kiện đòi lại nhà đất.
Tòa án cấp sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; tuy nhiên, Tòa án cấp phúc thẩm lại chấp nhận yêu cầu khởi kiện. Tại Quyết định giám đốc thẩm của vụ án trên đã tuyên hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm, yều cầu xét xử sơ thẩm lại để đảm bảo quyền lợi cho nguyên đơn với lý do sau đây:
- Tuy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất không có quy định về điều kiện của bên tặng cho đối với bên được tặng cho, nhưng thực tế nguyên đơn ngoài nhà đất đã tặng cho bị đơn thì không còn nhà đất nào khác, nên lời khai của nguyên đơn về điều kiện đặt ra khi tặng, cho bị đơn nhà đất là có cơ sở và cũng phù hợp với tập quán đạo đức xã hội.
- Bên cạnh đó, nguyên đơn được quyền đảm bảo về chổ ở theo quy định pháp luật và bị đơn cũng tha thiết mong ông bà sống vui vẻ với bị đơn, được chăm sóc nguyên đơn đến khi qua đời là phù hợp trách nhiệm pháp lý theo luật định và phù hợp với trách nhiệm về đạo lý.
- Nếu nguyên đơn yêu cầu được sống riêng thì cần buộc bị đơn phải dành cho nguyên đơn một diện tích nhà đất hợp lý để được sống độc lập tại nhà đất nói trên cho đến khi qua đời (quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phần dành cho nguyên đơn vẫn thuộc về bị đơn.
Nội dung trên đã được đề xuất lựa chọn làm án lệ.
>>>Xem chi tiết nội dung bản án TẠI ĐÂY
3. Tập quán về chuyển giao quyền sở hữu và chuyển giao quyền sử dụng tài sản(2)
Đồng bào dân tộc H’Mông (Lai Châu) có phong tục mượn gia súc như trâu, bò để canh tác. Mỗi khi mượn, người mượn phải mang một chai rượu ngô hoặc rượu gạo và một chút thức ăn thường ngày đến để cùng uống rượu với chủ sở hữu gia súc với ý nghĩa là hàm ơn và là một nghi thức của tập quán.
A là chủ sở hữu của một con trâu đực đã yêu cầu B đang chiếm hữu con trâu đó có nghĩa vụ giao trả con trâu đã mượn. B không đáp ứng yêu cầu của A với lý do là A đã bán con trâu đó cho ông 12 tháng rồi. Tuy nhiên, không có một bằng chứng nào về việc giao kết hợp đồng mua bán trâu giữa A và B.
Theo tập quán địa phương, B không có nghĩa vụ phải trả lại trâu cho A vì B không phải thực hiện nghi thức là mang rượu và thức ăn đến nhà A để cùng uống và mượn trâu, cho nên việc mượn trâu là không có.
Hơn nữa, đồng bào dân tộc H’Mông không có lệ mượn trâu trong thời hạn dài như vậy, mà nếu không thoả thuận về thời hạn mượn thì bên mượn trâu có nghĩa vụ trả lại trâu sau khi mục đích mượn đã đạt được - là cày ruộng xong. Nếu mượn trâu thì A đã yêu cầu B trả lại trâu sau khi đã cày xong nương rẫy, không thể để cho B sử dụng trâu lâu như vậy.
Áp dụng tập quán thì rõ ràng, B không mượn trâu của A vì không có việc B mang rượu và đồ ăn để uống và mượn trâu. Sự kiện này chứng tỏ rằng B đã mua con trâu của không có nghĩa vụ trả lại trâu; và B đã là chủ sở hữu của con trâu mua được cách thời điểm tranh chấp 12 tháng.
4. Tập quán về bồi thường (3)
Hai dân tộc Êđê và M’nông ở Tây Nguyên đều có luật tục về bồi thường thiệt hại: người gây thiệt hại là người có trách nhiệm bồi thường; mức bồi thường cũng căn cứ vào hình thức lỗi của người gây thiệt hại; ngoài khoản bồi thường vật chất, người gây thiệt hại còn phải thực hiện những nghi lễ nhất định để chuộc lỗi; bồi thường thiệt hại cũng theo nguyên tắc toàn bộ và kịp thời.
Ví dụ: Luật tục M’nông quy định hành vi của người đốt rẫy, để cháy sang rẫy của người khác là có lỗi vô ý, phải bồi thường: “rẫy cháy không sạch phải dọn; chòi bị cháy phải đền; không được đòi quá đáng; không được bắt đền to”. Hoặc: “Nuôi lợn cố tình thả rông; nuôi trâu cố tình thả rông; nuôi voi cố tình thả hoang, chúng ăn rẫy phải chịu, phá chòi phải đền. Lợn, trâu, voi làm sai, chủ phải đền.”
Luật tục Êđê và M’nông đều quy định về trách nhiệm do gây thiệt hại về tài sản và mức bồi thường thiệt hại. Thiệt hại do con người gây ra gồm: đốt rẫy cháy lan sang rẫy của người khác, đánh thuốc độc bắt cá suối, không chăm sóc trâu bò bị dịch, trâu bò bị dịch không thông báo, gây hại do cháy rừng, không tắt lửa nhà mình mà gây thiệt hại, gây thiệt hại về gia súc, gia cầm cho người khác, thả rông trâu, bò khi chưa đến mùa, giết gia súc trong vườn, rẫy của người khác. Những thiệt hại do con người gây ra được xác định dựa trên các yếu tố lỗi. Lỗi của người gây thiệt hại về tài sản phần nhiều là lỗi vô ý.
*Ghi chú:
(1) Theo Tạp chí TAND
(2) (3) Theo Người bảo vệ quyền lợi – Trang Web của trung tâm tư vấn pháp luật TP.HCM – TW Hội Luật gia Việt Nam