03 tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực y tế từ 15/11/2024

Chủ đề   RSS   
  • #617021 01/10/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 515 lần
    SMod

    03 tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực y tế từ 15/11/2024

    Ngày 30/9/2024, Bộ Y tế ban hành Thông tư 17/2024/TT-BYT quy định tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực y tế.

    Thông tư 17/2024/TT-BYT có hiệu lực từ 15/11/2024

    Những đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực y tế nào sẽ áp dụng Thông tư 17/2024/TT-BYT?

    Theo Điều 1 Thông tư 17/2024/TT-BYT quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng như sau:

    - Thông tư này quy định tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực y tế gồm: y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa, pháp y, pháp y tâm thần; y, dược cổ truyền; thiết bị y tế; dược, mỹ phẩm; an toàn thực phẩm; dân số, sức khỏe sinh sản; các dịch vụ công khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.

    - Thông tư này không áp dụng đối với đơn vị hoạt động trong lĩnh vực y tế thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.

    Như vậy, Thông tư 17/2024/TT-BYT sẽ áp dụng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực y tế do Bộ Y tế quản lý, không áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực y tế thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.

    03 tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực y tế từ 15/11/2024

    Theo Điều 6 Thông tư 17/2024/TT-BYT quy định các tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm:

    (1) Phân loại theo chức năng, nhiệm vụ:

    - Đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ quản lý nhà nước gồm: nghiên cứu chiến lược, chính sách; thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các hoạt động sự nghiệp công phục vụ chức năng quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực y tế theo quy định của pháp luật;

    - Đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thuộc ngành, lĩnh vực y tế quy định tại Điều 1 Thông tư 17/2024/TT-BYT;

    - Đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ chức năng quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công là đơn vị thực hiện một hoặc nhiều chức năng, nhiệm vụ quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

    Việc xác định loại hình đơn vị sự nghiệp công lập tại khoản này căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

    (2) Phân loại theo mức độ tự chủ về tài chính:

    - Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư;

    - Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên;

    - Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên;

    - Đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

    Việc xác định mức tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực y tế quy định tại khoản này thực hiện theo quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP.

    (3) Phân loại theo cơ quan có thẩm quyền thành lập:

    - Đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập theo thẩm quyền của Chính phủ;

    - Đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập theo thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế;

    - Đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập theo thẩm quyền của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

    - Đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập bởi chủ thể khác theo quy định của pháp luật.

    Như vậy, từ 15/11/2024 thì đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực y tế sẽ được phân loại theo 3 tiêu chí là theo chức năng, nhiệm vụ, theo mức độ tự chủ về tài chính và theo cơ quan có thẩm quyền thành lập.

    Nguyên tắc thành lập đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực y tế là gì?

    Theo Điều 2 Thông tư 17/2024/TT-BYT quy định về nguyên tắc thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực y tế thì việc thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực y tế thực hiện theo quy định tại Điều 4 Nghị định 120/2020/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

    - Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập phải bảo đảm đúng điều kiện, trình tự, thủ tục và thẩm quyền quy định tại Nghị định này (trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành); một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại.

    - Các đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập mới (kể cả đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đơn vị sự nghiệp công lập) phải tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu). Riêng đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm về chi thường xuyên và chi đầu tư, khi thành lập mới (kể cả trường hợp cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu) phải tự bảo đảm về chi thường xuyên và chi đầu tư.

    - Đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả thì tổ chức lại hoặc giải thể. Việc tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập không được làm tăng thêm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm thực hiện đúng quy định về số lượng cấp phó của đơn vị và thực hiện tinh giản biên chế theo quy định.

    Như vậy, việc thành lập đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực y tế cũng sẽ áp dụng nguyên tắc chung đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.

     
    120 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận