Để được pháp luật công nhận là vợ chồng hợp pháp, hai bên nam nữ phải tiến hành đăng ký kết hôn theo Khoản 1 Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Theo đó, kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn”.
Tuy nhiên, vẫn có trường hợp không đăng ký kết hôn, quan hệ vợ chồng vẫn được pháp luật công nhận.
Như vậy, theo quy định trên và tinh thần Điều 3 Nghị quyết 35/2000/QH10, các cột mốc để ĐƯỢC PHÁP LUẬT công nhận là vợ chồng hợp pháp:
- Trước 03/01/1987:
Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đi đăng ký kết hôn. Tuy nhiên cần hiểu đúng vấn đề là mặc dù không yêu cầu đăng ký kết hôn nhưng nam nữ vẫn phải đảm bảo đủ điều kiện kết hôn và không vi phạm điều cấm của pháp luật.
>Không đăng ký kết hôn vẫn được công nhận là vợ chồng hợp pháp.
- Từ 03/01/1987 đến 01/ 01/ 2001:
Nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng trong mốc thời gian này, mà có đủ điều kiện kết hôn thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn (bắt buộc).
Thời hạn đi đăng ký là 02 năm, kể từ 01/01/2001 đến 01/ 01/2003. Nếu sau 01/01/2003 mà họ vẫn không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng hợp pháp.
>Bắt buộc đi đăng ký kết hôn từ 01/01/2001 đến 01/01/2003 mới được pháp luật công nhận là vợ chồng hợp pháp.
- Sau 01/01/2001:
Đối với những trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng sau ngày 01/01/2001 mà không đăng ký kết hôn thì không được pháp luật công nhận quan hệ vợ chồng là hợp pháp.
>Bắt buộc đi đăng ký kết hôn.
Như vậy, cần lưu ý 03 cột mốc nêu trên trong việc xác định quan hệ hôn nhân là hợp pháp.
Pháp luật vô hình, tuy không thể thấy nhưng phải biết!