Xây nhà trong hành lang an toàn đường bộ chưa giải phóng mặt bằng có bị phạt không?

Chủ đề   RSS   
  • #614587 27/07/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 11

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (982)
    Số điểm: 16703
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 329 lần
    SMod

    Xây nhà trong hành lang an toàn đường bộ chưa giải phóng mặt bằng có bị phạt không?

    Xây nhà trong hành lang an toàn giao thông đường bộ mà nhà nước chưa giải phóng mặt bằng thì có bị xử phạt hay không? Nếu có thì mức phạt cụ thể thế nào?

    Xây nhà trong hành lang an toàn đường bộ chưa giải phóng mặt bằng có bị phạt không?

    Theo Điều 43 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định phạm vi đất dành cho đường bộ như sau:

    - Phạm vi đất dành cho đường bộ gồm đất của đường bộ và đất hành lang an toàn đường bộ.

    - Trong phạm vi đất dành cho đường bộ, không được xây dựng các công trình khác, trừ một số công trình thiết yếu không thể bố trí ngoài phạm vi đó nhưng phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép, gồm công trình phục vụ quốc phòng, an ninh, công trình phục vụ quản lý, khai thác đường bộ, công trình viễn thông, điện lực, đường ống cấp, thoát nước, xăng, dầu, khí.

    - Trong phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ, ngoài việc thực hiện quy định trên, được tạm thời sử dụng vào mục đích nông nghiệp, quảng cáo nhưng không được làm ảnh hưởng đến an toàn công trình, an toàn giao thông đường bộ. Việc đặt biển quảng cáo trên đất hành lang an toàn đường bộ phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản.

    - Người đang sử dụng đất được pháp luật thừa nhận mà đất đó nằm trong hành lang an toàn đường bộ thì được tiếp tục sử dụng đất theo đúng mục đích đã được xác định và không được gây cản trở cho việc bảo vệ an toàn công trình đường bộ.

    Trường hợp việc sử dụng đất gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ an toàn công trình đường bộ thì chủ công trình và người sử dụng đất phải có biện pháp khắc phục, nếu không khắc phục được thì Nhà nước thu hồi đất và bồi thường theo quy định của pháp luật.

    Đồng thời, theo khoản 9 Điều 28 Nghị định 11/2010/NĐ-CP có quy định:

    Trường hợp công trình trên đất hành lang an toàn đường bộ có trước khi quy định về quản lý hành lang an toàn đường bộ có hiệu lực, đúng với mục đích sử dụng trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan có thẩm quyền cấp, không ảnh hưởng đến an toàn giao thông thì được tiếp tục sử dụng.

    Khi có yêu cầu thu hồi đất để nâng cấp, cải tạo công trình giao thông thì Chủ đầu tư tiến hành việc nâng cấp, cải tạo công trình giao thông phải bồi thường, hỗ trợ cho chủ công trình bị dỡ bỏ theo quy định của pháp luật.

    Như vậy, chỉ nhà có trước khi quy định về quản lý hành lang an toàn đường bộ có hiệu lực (Luật Giao thông đường bộ 2008 có hiệu lực từ ngày 01/7/2009) mà được sử dụng đúng theo trong giấy chứng nhận và không ảnh hưởng an toàn giao thông thì được tiếp tục sử dụng.

    Còn lại, không được xây nhà trên hành lang an toàn đường bộ trừ một số công trình thiết yếu được cho phép, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định.

    Mức phạt xây nhà trong hành lang an toàn đường bộ

    Theo điểm a khoản 9, điểm đ khoản 10 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ, trong đó:

    - Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi chiếm dụng đất của đường bộ hoặc đất hành lang an toàn đường bộ để xây dựng nhà ở;

    - Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: buộc phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép (không có giấy phép hoặc không đúng với giấy phép) và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

    Như vậy, nếu xây nhà trong hành lang an toàn đường bộ thì sẽ bị phạt tiền từ 15 - 20 triệu nếu là cá nhân và 30 - 40 triệu nếu là tổ chức. Đồng thời bị buộc phải tháo dỡ nhà đã xây dựng, khôi phục lại tình trạng ban đầu.

    Giới hạn hành lang an toàn đường bộ là ở đâu?

    Theo Điều 15 Nghị định 11/2010/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 100/2013/NĐ-CP quy định hành lang an toàn đường bộ là dải đất dọc hai bên đất của đường bộ nhằm bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ công trình đường bộ. 

    Giới hạn hành lang an toàn đường bộ xác định theo quy hoạch đường bộ được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được quy định như sau:

    - Đối với đường ngoài đô thị: Căn cứ cấp kỹ thuật của đường theo quy hoạch, phạm vi hành lang an toàn đường bộ có bề rộng tính từ đất của đường bộ trở ra mỗi bên là:

    + 17 mét đối với đường cấp I, cấp II;

    + 13 mét đối với đường cấp III;

    + 09 mét đối với đường cấp IV, cấp V;

    + 04 mét đối với đường có cấp thấp hơn cấp V.

    - Đối với đường đô thị: Giới hạn hành lang an toàn đường bộ là chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

    - Đối với đường cao tốc ngoài đô thị:

    + 17 mét, tính từ đất của đường bộ ra mỗi bên;

    + 20 mét, tính từ mép ngoài của kết cấu ngoài cùng ra mỗi bên đối với cầu cạn và hầm;

    + Trường hợp đường cao tốc có đường bên, căn cứ vào cấp kỹ thuật của đường bên để xác định hành lang an toàn theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 11/2010/NĐ-CP nhưng không được nhỏ hơn giới hạn hành lang an toàn được quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều này.

    - Đối với đường cao tốc trong đô thị:

    + Không nhỏ hơn 10 mét tính từ mép ngoài của kết cấu ngoài cùng ra mỗi bên đối với hầm và cầu cạn;

    + Là chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với hầm và cầu cạn có đường bên và đường cao tốc có đường bên;

    + Từ mép ngoài của mặt đường đến chỉ giới đường đỏ, nhưng không nhỏ hơn 10 mét đối với đường cao tốc không có đường bên.

    - Đối với đường bộ có hành lang an toàn chồng lấn với hành lang an toàn đường sắt:

    Phân định ranh giới quản lý theo nguyên tắc ưu tiên bố trí hành lang an toàn cho đường sắt, nhưng ranh giới hành lang an toàn dành cho đường sắt không được chồng lên công trình đường bộ.

    Trường hợp đường bộ, đường sắt liền kề và chung nhau rãnh dọc thì ranh giới hành lang an toàn là mép đáy rãnh phía nền đường cao hơn, nếu cao độ bằng nhau thì ranh giới hành lang an toàn là mép đáy rãnh phía đường sắt.

    - Đối với đường bộ có hành lang an toàn chồng lấn với hành lang bảo vệ đường thủy nội địa: Ranh giới hành lang an toàn là mép bờ tự nhiên.

    Như vậy, đối với mỗi loại đường bộ thì sẽ có giới hạn hành lang an toàn đường bộ khác nhau.

     
    189 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận